Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc được đề nghị án tù treo trong vụ khai thác đất hiếm

Phùng Anh-Thứ tư, ngày 14/05/2025 16:12 GMT+7

bangdatally.xyz - Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ) Nguyễn Linh Ngọc bị đề nghị mức án từ 30 - 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo trong vụ án sai phạm khai thác đất hiếm.

Ngày 14/5, Toà án nhân dân (TAND) TP Hà Nội tiếp phiên toà xét xử sơ thẩm Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũ (TN&MT) Nguyễn Linh Ngọc cùng bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương và 25 bị cáo khác trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm gây thoát cho Nhà nước hơn 736 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Thái Dương và một số đơn vị liên quan.

Bước sang ngày làm việc thứ 3, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát đã tiến hành đề nghị mức án đối với cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT (cũ) Nguyễn Linh Ngọc cùng các bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm khai thác đất hiếm tại Yên Bái.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc được đề nghị án tù treo trong vụ khai thác đất hiếm - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên toà.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Linh Ngọc cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT (cũ) bị đề nghị mức án từ 30 đến 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, về tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù.

Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương bị đề nghị mức án 5-6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên"; 4-5 năm tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng"; và 3-4 năm tù về tội "Gây ô nhiễm môi trường". Tổng hợp mức án đề nghị là từ 12 - 15 năm tù.

Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty Đất hiếm Việt Nam, bị đề nghị mức án từ 16 - 18 năm tù về hai tội danh Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Với các bị cáo còn lại, đại diện Viện Kiểm sát đã cân nhắc và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ phù hợp với từng bị cáo, nhằm đưa ra mức án đề nghị hợp tình, hợp lý và đúng quy định của pháp luật.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc được đề nghị án tù treo trong vụ khai thác đất hiếm - Ảnh 2.

Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên toà.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh và xuất khẩu khoáng sản quặng đất hiếm, trong khi cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản.

Đất hiếm là một loại khoáng sản chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp hiện đại. Vì vậy, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, quy hoạch và kế hoạch nhằm phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản quặng đất hiếm một cách bền vững và hiệu quả. Việc khai thác đất hiếm phải gắn liền với chế biến sâu.

Mặc dù các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ rất chặt chẽ, các bị cáo trong vụ án này vẫn không tuân thủ mà còn cố ý thực hiện những sai phạm.

Cụ thể, bị cáo Đoàn Văn Huấn trong vai trò lãnh đạo Công ty Thái Dương đã tổ chức, chỉ đạo khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú (Yên Bái) trong thời gian từ năm 2019 - 2023. Số khoáng sản bị khai thác trái phép có tổng giá trị hơn 864 tỷ đồng; trong đó, bị can Huấn cùng đồng phạm đã tiêu thụ được số quặng trị giá hơn 763 tỷ đồng. Huấn còn chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, gây thiệt hại hơn 9,6 tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước.

Cơ quan tố tụng xác định năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyết định giao Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc được chỉ đạo, giải quyết lĩnh vực địa chất, khoáng sản và phụ trách Tổng cục Địa chất và Khoáng sản - là đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.

Trước đó, từ năm 2011, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản nhận hồ sơ xin cấp phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú của Công ty Thái Dương, nên ông Ngọc ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy phép, nêu rõ "hồ sơ đề nghị cấp phép đã đủ điều kiện".

Văn phòng Chính phủ có công văn giao các Bộ chỉ đạo chủ đầu tư lập dự án đầu tư chế biến sâu đất hiếm, báo cáo đánh giá tác động môi trường... Thủ tướng cũng có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Công ty Thái Dương đã lập Dự án Đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến sâu đất hiếm gồm Nhà máy thủy luyện để chế biến ô-xít đất hiếm tại Yên Bái và Nhà máy chiết tách - chế biến ô-xít đất hiếm tại Đình Vũ (Hải Phòng).

Ngày 14/12/2012, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Yên Bái thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: "Đồng ý về nguyên tắc việc khai thác, chế biến quặng đất hiếm Yên Phú với điều kiện: quặng đất hiếm phải chế biến sâu, không xuất khẩu quặng thô và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về khoáng sản; không chuyển nhượng quyền khai thác cho tổ chức, cá nhân nước ngoài". Nhận văn bản đó, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản hoàn thiện hồ sơ cấp phép cho Công ty Thái Dương.

Tại thời điểm này, Dự án đã thay đổi cả về quy mô và tính chất; không chỉ có Dự án khai thác, tuyển quặng như khi xin cấp phép năm 2011 mà bao gồm cả 3 dự án không thể tách rời, gồm: Dự án khai thác, tuyển quặng; Dự án Nhà máy thủy luyện Yên Bái và Dự án Nhà máy chiết tách Hải Phòng. Tuy nhiên, hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương chỉ có Giấy chứng nhận đầu tư Dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp năm 2011 (hết hạn năm 2012) nhưng chưa được gia hạn hoặc cấp mới; không có Giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy thủy luyện Yên Bái và Nhà máy chiết tách Hải Phòng.

Đồng thời, vốn chủ sở hữu của Công ty Thái Dương không đảm bảo tỷ lệ bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án (chỉ có 200 tỷ đồng còn tổng mức đầu tư 1.953 tỷ đồng); việc này vi phạm Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, nhóm cán bộ tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản vẫn sử dụng kết quả thẩm định cũ từ năm 2011 để trình hồ sơ. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khi đọc và nghiên cứu hồ sơ, biết Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện nhưng vẫn ký chấp nhận cấp giấy phép vào năm 2013.

Hành vi của nhóm lãnh đạo, cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường như trên góp phần giúp Đoàn Văn Huấn tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt có tổng trị giá 736 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát nhấn mạnh rằng hành vi phạm tội của 27 bị cáo cần phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cũng phân hóa vai trò, mức độ phạm tội của từng bị cáo, áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ phù hợp với từng trường hợp, để Hội đồng xét xử căn cứ vào đó quyết định mức án.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước