Những khoảng cách còn lại
Đơn vị sản xuất: Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
Là một chiến sĩ cách mạng tập kết ra Bắc và trở về Sài Gòn trong những ngày đầu giải phóng, ông Sỹ gặp lại vợ là bà Thuận Thành chủ một nhà máy dệt cùng các con (Sơn – đại úy chế độ cộng hòa), Quỳnh, Thuận Ánh và Hải (con trai lớn đã theo ông Sỹ ra Bắc tập kết từ khi còn nhỏ).
Những mâu thuẫn gia đình xuất hiện khi ông Sỹ muốn thay đổi tư tưởng của các thành viên trong gia đình để bắt đầu một cuộc sống mới. Ông Sỹ muốn vợ mình hiến tất cả tài sản cho Nhà nước, thayd dổi lối hưởng thụ của Quỳnh, giáo dục Thuận Ánh hiểu nhiều hơn về thay đổi của đất nước, thuyết phục Sơn phải trình diện để được học tập hoàn thành nghĩa vụ và tìm mọi cách khuyên Hải không đi sai đường, lạc lối… Bà Thuận Thành chấp nhận mọi yêu cầu của ông Sỹ thế nhưng vẫn âm thầm cùng Hải tìm mọi cách để giữ lại tài sản và kinh doanh bất chính. Quỳnh phản đối kịch liệt với ông Sỹ vì cô cho rằng ba mình là người quá lạnh lùng khi đã không thấu hiểu tất cả thành viên trong gia đình và cô ngày càng nổi loạn hơn.
Đứng trước những khó khăn khi người thân yêu nhất chống đối lại mình, ông Sỹ đã thật sự bế tắc khi phải đối diện với tình riêng và trách nhiệm của người Cộng sản chân chính. Mâu thuẫn đạt đến đỉnh điểm khi mọi tính toán đã vượt khỏi suy nghĩ ông Sỹ thì Thu Hà – vợ của Hải xuất hiện. Cô vào Sài Gòn tìm Hải để cứu vãn cuộc hôn nhân. Cũng nhờ sự xuất hiện này đã chia sẻ gánh nặng với ông Sỹ khi mọi khúc mắc trong gia đình dần được tháo gỡ.
Những khoảng cách còn lại là vở kịch gửi gắm thông điệp: Chiến tranh đã đẩy con người phải đối diện với nghịch cảnh cuộc đời, phải đấu tranh trong chính tổ ấm của mình. Và bằng tình yêu thương chân thành, cảm hóa được tất cả nhờ tình yêu là chất keo nối kết mọi người với nhau, giải tỏa được những khúc mắc và xóa dần những khoảnh cách.