Hương đồng lác
Đơn vị sản xuất: Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp
Bối cảnh chính của bộ phim xoay quanh làng chiếu Định Yên, làng nghề trăm tuổi nổi tiếng ở Đồng Tháp. Như nhiều làng nghề Việt Nam, người trẻ lần lượt bỏ làng lên phố mưu sinh, làng Định Yên còn đa số là những nghệ nhân xấp xỉ tuổi 50, như bà An, ông Việt… đau đáu giữ nghề, truyền nghề. Khôi là con trai duy nhất của bà An, tốt bụng và vui tính, đảm nhận những công việc tay chân, cần sức khoẻ trong lành.
Sau dịch Covid, Nhà hàng Bông Sen mở cửa trở lại nhưng lại thiếu chị Hoà - đầu bếp chuyên ẩm thực quê hương. Ngọc là bếp phó nhưng lại “rảnh”, vì “khách Tây thì không có, còn nấu món quê thì nhạt nhẽo!”; Ngọc bị Giám đốc nhà hàng ép phải về Định Yên mời chị Hoà trở lại Thành phố. Oái ăm thay, chị Hoà đã mở quán ăn thiện nguyện ở quê và hạnh phúc với cuộc sống hiện tại nên dù Ngọc thuyết phục như thế nào cũng lạnh lùng nói không. Tự ái, hiếu thắng, lại thêm một số tình huống oái ăm, Ngọc quyết định ở lại Định Yên “bám lấy” bà An, chị Hoà học về ẩm thực quê hương để khắc phục điểm yếu của mình.
Ngọc gặp nhiều phiền toán vì cuộc sống quá khác trước đây, cô cũng thẳng thắn quá mức làm tổn thương người dân quê như nói họ nghèo, ăn mặc quê mùa, cuộc sống bất tiện.. Nhưng rồi, nhờ sự giúp đỡ của Khôi, cô từng bước tìm được sự kết nối với mọi người và cảm nhận cuộc sống chân thành từ làng quê. Tình yêu được nảy nở theo đúng môtíp hút nhau khi trái dấu.
Nhưng Hương đồng lác không đơn thuần là một bộ phim tình yêu lãng mạn, mà ẩn chứa nhiều điều về lẽ sống. Mâu thuẫn trong phát triển sự nghiệp của Khôi – Ngọc đã lật giở những góc khuất mỗi nhân vật, và từng nỗi đau dần được chữa lành. ü Như Ngọc, vốn là một cô gái chật vật lớn lên thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ. Độc lập quá lâu khiến cô sợ dựa dẫm vào người khác. ü Còn Khôi, covid 19 là một biến cố lớn để lại trong lòng anh cả tổn thương lẫn nỗi sợ mất mát quá lớn. Vì vậy anh đã chọn trở về quê âm thầm chữa lành vết thương đô thị để lại trong mình. Từ đó, giấc mơ lớn nhất của anh chính là cùng mẹ, cùng bà con Định Yên gìn giữ làng chiếu.
Các tuyến nhân vật phụ trong Hương đồng lác cũng để lại nhiều suy ngẫm về những nỗi thương tổn bên trong: ü Chị Hoà an toàn trở về Đồng Tháp ngay trong đợt dịch đầu tiên, chị đã cùng bà con vận động được hàng chục chuyến xe cứu trợ gạo, khoai, rau, trái vào giải cứu Sài Gòn; nhưng không thể nguôi nỗi mất mát khi con hẻm nghèo nơi chị sinh sống ở Sài Gòn nhiều người chỉ còn lư hương. ü Ông Lương cũng may mắn trở về quê cùng với chú chó tên Đen sau nhiều năm mưu sinh Sài Gòn; Đen vừa được ông nhận nuôi trên đường về vì nó đã lạc chủ. ü Hay như anh Sơn và con gái nhỏ, hành trang từ Sài Gòn trở về là lư hương của mẹ. ü Tuyết xưa là cô gái xinh đẹp nhất làng, tha hương bặt tin bỗng trở về cùng con trai; cô có lúc ngây lúc tỉnh, lại hay trộm vặt, cũng nhờ bà con làng Định Yên cưu mang, tạo công ăn việc làm, còn thay nhau thư từ tìm người thân cho Tuyết. Tất cả họ đều mang nhiều tổn thương và được chữa lành bởi sự chân thành ấp áp của quê hương
Hương đồng lác còn cuốn hút bởi âm hưởng lạc quan, những cuộc trò chuyện dí dỏm đậm chất miền Tây; những cảnh quay rực rỡ lẫn bình yên của làng chiếu Định Yên những ngày cận Tết; những món ăn quê hương xứ sen hồng qua bàn tay của bà An, chị Hoà, của Ngọc… cũng có những không gian riêng để làm mê đắm lòng người.
Kết phim là cảnh làng Định Yên rộn ràng trong này Tết, những sợi lác nhuộm đủ màu rực rỡ trong sân làng. Đó cũng là bữa tiệc bà con chia tay Ngọc trở lại Sài Gòn… Nhưng, khi không khí có phần trầm nhẹ vì lưu luyến, Ngọc báo tin đã ký hợp đồng thuê một nơi để cải tạo thành homestay kết hợp với nhà hàng. Cô đã quyết định sẽ trở lại, bắt đầu hành trình nâng tầm ẩm thực quê hương. Không kín cổng cao tường, những ngôi nhà quê trong Hương đồng lác luôn rộng cửa, như cái cách mà người dân ở đây luôn mở rộng lòng hỏi han và chở che. Từ đó, người xem như được vỗ về bởi nhiều chi tiết hài hước, xúc động và sâu lắng