Từ "Vương quốc đỏ" đến "Di sản đương đại"
Đơn vị sản xuất: Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long
Từ lâu, người dân Vĩnh Long đã tự hào với danh xưng “Vương quốc lò gạch” hay “Vương quốc đỏ”, nơi còn lưu giữ gần một ngàn lò nung gạch truyền thống. Cùng với không gian kiến trúc độc đáo, Làng nghề sản xuất gạch, gốm đỏ ở Vĩnh Long được ví như đang tiềm ẩn một “kho báu di sản” về phương thức sản xuất và công cụ sản xuất có sự kết hợp giao thoa văn hóa giữa các dân tộc với lịch sử hình thành và phát triển hơn 150 năm và vẫn còn tiếp diễn đến hiện tại. Trải qua nhiều thăng trầm và sự phát triển của xã hội, nghề sản xuất gạch, gốm truyền thống dần suy tàn. Trong vòng 10 năm qua, hơn 1.000 lò gạch đã bị phá dỡ, số lò còn lại cũng bị hư hỏng và đang đứng trước nguy cơ bị phá dỡ toàn bộ trong thời gian tới.
Trước thực trạng nêu trên, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít khoảng 3.060 ha và vùng đệm khoảng 5.000 ha nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tầm cỡ quốc tế, một điểm đến hấp dẫn ở cả 3 khía cạnh về điểm tham quan, trải nghiệm, ăn nghỉ và lữ hành…Tuy nhiên, việc triển khai Đề án vào thực tiễn vẫn còn chậm, nhiều hộ dân vẫn đang phá dỡ các lò nung vì sinh kế mới và nhiều lý do khác; Đề án chưa có điểm cho khách tham quan du lịch; các doanh nghiệp lữ hành khai thác sản phẩm tham quan tự phát,v.v...
Tọa đàm với sự tham gia của 03 diễn giả: Ông PHAN VĂN GIÀU, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Long; Thạc sĩ VŨ HOÀNG QUYÊN, Trưởng nhóm tư vấn Đề án Di sản đương đại (UNESCO); Thạc sĩ PHAN ĐÌNH HUÊ, Chuyên gia tư vấn Du lịch. Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin đa chiều. phân tích và giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn để bảo đảm thực hiện thành công đề án Di sản đương đại.