Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 5/2025 chỉ đạt 496 triệu USD, giảm mạnh 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây đã là tháng thứ 5 liên tiếp ngành hàng này sụt giảm. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động, áp lực cạnh tranh gia tăng và tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng khắt khe, ngành rau quả Việt Nam buộc phải bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất - ghi nhận mức sụt giảm tới 33%. Ngược lại, xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản lại có tín hiệu lạc quan, tăng lần lượt 65% và 22%. Thị trường càng khó tính, dư địa tăng trưởng càng lớn - nếu doanh nghiệp đáp ứng được chuẩn quốc tế.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Tìm mọi cách để đưa sầu riêng trở lại đường đua với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Chúng ta phải có những giải pháp để hạn chế vi phạm chất cấm, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc".
Dù thị trường biến động, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng nhờ chiến lược phát triển bền vững. Các mặt hàng như thanh long, mít, xoài… vẫn giữ được nhịp xuất khẩu ổn định tại những thị trường khó tính.
Không chỉ còn xuất khẩu trái cây tươi theo mùa vụ, mà giờ, sầu riêng cùng nhiều loại trái cây khác như chuối, vải, nhãn, thanh long… đang được doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như làm bánh, làm nước ép, hoa quả sấy khô…
Nhờ tập trung chế biến sâu, một số doanh nghiệp đã giảm phụ thuộc vào thị trường đơn lẻ và rủi ro mùa vụ, duy trì đà tăng trưởng như mục tiêu đặt ra. Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, chính sách mở rộng thị trường từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng được đẩy mạnh.
Ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho hay: "Mở rộng ra các thị trường khác như thị trường Nam Nỹ, châu Phi, Trung Đông. Ưu tiên các thị trường mà chúng ta đã ký các hiệp định thương mại tự do".
Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, xuất khẩu nông sản giờ đây không còn là "cuộc chơi" của giá rẻ hay thị trường dễ tính. Khi các rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe, việc chủ động thích ứng từ vùng trồng đến chế biến, logistics và thị trường đích… là điều kiện sống còn để nông sản Việt vững bước trên sân chơi toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!