Nới lỏng phụ thuộc vào Trung Quốc
Thông qua Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) mong muốn tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương - địa phương - doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị sầu riêng chuyên nghiệp, minh bạch, kiểm soát rủi ro tốt hơn và phát triển thị trường xuất khẩu một cách bền vững.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy và Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đồng chủ trì Hội nghị.
Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Cục Hải Quan, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 và VCCI; đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của 23 tỉnh, thành…
Tại hội nghị, Quyền Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, quan tâm, xem xét chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Bộ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, chất tạo màu, làm chín đều, bảo quản sầu riêng trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó là, bố trí thành lập các Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, Trung tâm kiểm dịch thực vật và Cơ sở chiếu xạ tại Đắk Lắk để thuận tiện cho việc giám sát, kiểm soát dư lượng các hoạt chất, đối tượng kiểm dịch ngay tại địa phương.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao gắn với việc xây dựng thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm sầu riêng Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/5/2025. Trong đó tỉnh Đắk Lắk là địa phương làm điểm để nhân rộng mô hình.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại hội thảo.
Theo Bộ NN&MT, ngành hàng sầu riêng đã và đang trở thành một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong những năm qua. Tuy vậy, mặt hàng sầu riêng Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, từ nhu cầu thị trường sụt giảm, sự canh tranh quyết liệt và chia sẻ thị phần của Thái Lan, Cambodia, Malaysia...
Theo thống kê, nếu như năm 2015, diện tích trồng sầu riêng chỉ có 32 nghìn ha thì đến 2024 đã tăng lên 178,8 nghìn ha (trung bình mỗi năm tăng 16,3 nghìn ha); đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, bất chấp rất nhiều khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn, diện tích trồng sầu riêng vẫn tăng 2,38 lần. Trong khi thị trường xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Bí thư tỉnh Đắk Lắk- Nguyễn Đình Trung cùng lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk tham dự hội nghị.
Sự phụ thuộc quá lớn này là một trong những nguyên nhân biến động về kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam khi có bất kỳ sự biến động nào từ thị trường Trung Quốc.
Ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2025, nhu cầu của thị trường Trung Quốc đã giảm 46,5% về lượng và 48,1% về giá trị. Nguyên nhân có thể là từ xu hướng cắt giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn và mặt hàng sầu riêng đã giảm dần sức "nóng" tại thị trường tỷ dân này.
Từ nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Trung Quốc đã chính thức cho phép Campuchia, Malaysia... xuất khẩu sầu riêng nên phần nào làm gia tăng sự cạnh tranh và chia sẻ thị phần của sầu riêng Việt Nam.
Tìm "lỗ hỏng" cách tháo gỡ...
Tại hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng có các tồn tại, hạn chế cần khắc phục và hành động quyết liệt trong thời gian tới để phát triển bền vững ngành hàng tỷ đô.
Đó là, việc mở rộng diện tích chủ yếu mang tính tự phát, thiếu quy hoạch bài bản và chưa gắn với phát triển vùng nguyên liệu có kiểm soát. Các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ còn rời rạc, thiếu tính khép kín và cơ chế ràng buộc rõ ràng giữa các bên tham gia. Vi phạm kỹ thuật, trả hàng, mất thị trường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tại hội nghị.
Yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt kim loại nặng và chất cấm, từ đó đòi hỏi toàn chuỗi giá trị sầu riêng phải có các hành động phù hợp để ứng phó.
Năng lực kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc còn yếu, thiếu đồng bộ và không theo kịp tốc độ tăng trưởng nóng.
Cơ sở pháp lý chưa đủ mạnh. Hiện nay, Việt Nam chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng (MSVT), cơ sở đóng gói (CSĐG), chủ yếu vẫn dựa vào thỏa thuận song phương với nước nhập khẩu nên chưa đủ sức răn đe. Hệ quả là tình trạng giả mạo, mượn mã số, sử dụng mã số sai mục đích vẫn diễn ra, làm gia tăng rủi ro bị trả hàng, đình chỉ xuất khẩu và suy giảm uy tín quốc gia.
Doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng ở Đắk Lắk tham dự hội nghị.
Trong khi đó, các nước như Thái Lan đã ban hành quy định pháp lý rõ ràng, chế tài nghiêm khắc, xử phạt nặng và đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm.
Sự vào cuộc của địa phương chưa rõ nét. Hiện nay, nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực, cả về nhân lực và kinh phí thực hiện việc kiểm tra, giám sát vùng trồng; mỗi tỉnh chỉ có khoảng 2-3 cán bộ phụ trách, lại kiêm nhiệm nhiều công việc, dẫn đến quá tải, thiếu chuyên sâu và phản ứng chậm với yêu cầu thay đổi từ phía nước nhập khẩu.
Nhận thức và trách nhiệm của vùng trồng, doanh nghiệp còn hạn chế. Việc duy trì điều kiện kỹ thuật của MSVT và CSĐG sau khi được cấp vẫn mang tính hình thức, thiếu tự giác và chưa đồng bộ. Nhiều vùng trồng, CSĐG chủ yếu hoạt động theo kiểu đối phó, không đáp ứng được quy trình sơ chế - đóng gói theo yêu cầu.
Công nghệ bảo quản và chế biến sầu riêng hiện còn đơn giản, thiếu đồng bộ, chủ yếu phục vụ xuất khẩu dưới dạng tươi hoặc cấp đông. Ngành hàng sầu riêng vẫn lệ thuộc lớn vào xuất khẩu nguyên liệu thô, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường chế biến giá trị gia tăng.
Theo Quyền Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk - Nguyễn Thiên Văn, tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, với hơn 13.000 km2, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 650 ngàn ha, trong đó có gần 40% đất đỏ bazan màu mỡ, địa hình tương đối bằng phẳng, nhiều sông hồ, khí hậu ôn hòa. Ngoài thế mạnh về phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực, như: cà phê, cao su, hồ tiêu..., thì trong những năm gần đây các loại cây ăn quả liên tục tăng cả về diện tích, năng suất, chất lượng, sản lượng, nhất là cây sầu riêng.
Theo thống kê, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ; sản phẩm đông lạnh đã xuất sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hoa Kỳ…, trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt 3,3 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!