Cảng hàng hóa ở Long Beach, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo đó, mỗi bên đều giảm mạnh mức thuế quan áp lên lẫn nhau. Mỹ sẽ chỉ áp 30% lên hàng hoá Trung Quốc, còn Trung Quốc áp thuế 10% lên hàng hoá Mỹ. Tuy nhiên, quyết định trên chỉ kéo dài trong 90 ngày, còn sau 90 ngày sẽ là kịch bản nào phải chờ kết quả những cuộc đàm phán tiếp theo. Chính vì thế, đã một cuộc đua về đích - đó là cuộc đua của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo các trang báo lớn tại Mỹ, các sản phẩm như máy pha cà phê, đồ phụ kiện thời trang, thiết bị chăm sóc sức khoẻ, quần áo, hàng dệt may… đã ngay lập tức được đưa lên tàu để nhanh chóng đến Mỹ trước khi thời hạn 90 ngày qua đi. Các chủ doanh nghiệp hai nước đã ngay lập tức ra lệnh giải phóng hàng trăm container hàng hoá tranh thủ khi thuế còn thấp. Những lô hàng này thậm chí là để dự phòng cho cả dịp lễ hội cuối năm.
Ông Jay Foreman, Chủ tịch một công ty phân phối đồ chơi trẻ em ở Mỹ, thở phào nhẹ nhõm vì có thêm 90 ngày để nhập hàng hoá từ Trung Quốc để bán ra trong dịp Giáng Sinh năm nay.
"Bởi vì thuế quan đã giảm xuống 30%, nên chắc là người tiêu dùng sẽ chứng kiến giá hàng hoá tăng từ 10 - 15%, không tăng gấp đôi gấp 3. Và cũng sẽ không đến mức thiếu hụt hàng hoá, hay kệ hàng trống trơn. Tuy nhiên, những mặt hàng thiết yếu sẽ hết hàng rất nhanh. Nếu bạn đã có danh sách những thứ cần mua nên đến cửa hàng mua càng sớm càng tốt", ông Jay Foreman - CEO công ty Basic Joy cho hay.
Ông Kevin Krolichi - Trưởng Cơ quan thường trú tại Trung Quốc, hãng thông tấn Reuters nhận định: "Sẽ có rất nhiều nhà xuất khẩu tại Trung Quốc tranh thủ thời hạn 90 ngày để thúc đẩy các chuyến tàu hàng nhanh chóng đưa hàng sang Mỹ trước thời điểm mua sắm quan trọng dịp cuối năm. Có thể bây giờ không còn kịp đợt hàng cho mùa khai giảng nữa, nhưng vẫn kịp tích trữ hàng cho mùa lễ Halloween và mùa Giáng sinh".
Tuy nhiên, cùng với sự khẩn trương của các doanh nghiệp, cũng là không khí thận trọng. "Sau 90 ngày, nếu thuế quan lại tăng trở lại, thị trường sẽ rất bất ổn. Tôi nghĩ rằng chính sách cần có sự ổn định hơn, không nên mỗi tháng một khác. Theo tôi, kịch bản này mới là kịch bản tồi tệ nhất", anh Yang - Cư dân Thượng Hải, Trung Quốc cho hay.
Trao đổi với phóng viên VTV, ông Hứa Khâm Đạc, chuyên gia kinh tế cấp cao viện Pangoal cũng cho rằng, đây mới chỉ là bước đầu và chặng đường đàm phán phía trước nhiều khả năng sẽ không đơn giản.
Ông Hứa Khâm Đạc - Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Pangoal, Bắc Kinh đánh giá: "Đây là tiến trình đàm phán rất phức tạp, bởi mối quan hệ thương mại giữa hai bên vừa sâu rộng, vừa nhạy cảm. Từ phía Trung Quốc, điều quan trọng là được đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và minh bạch.
Tuy nhiên có những sự thay đổi nhanh chóng trong định hướng chính sách tại Mỹ đôi khi khiến tiến trình thương lượng thiếu tính ổn định cần thiết. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất lúc này là hai bên cùng thể hiện thiện chí, giữ vững kênh đối thoại để từng bước xây dựng lại lòng tin, từ đó mới có thể kỳ vọng vào một lộ trình giảm leo thang bền vững".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!