Trung Quốc đối mặt với áp lực giảm phát ngày càng tăng.
Trung Quốc vẫn phải đối mặt với áp lực giảm phát
Báo cáo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 10/5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 sụt 0,1% so với một năm trước đó. Theo thước đo CPI, tình trạng giảm phát ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã kéo dài ba tháng liên tiếp. Mức thuế quan cao ngất ngưởng của Mỹ đã làm trầm trọng thêm áp lực giảm phát vốn bắt nguồn từ nhu cầu nội địa yếu.
Báo cáo cũng cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) rớt 2,7% so với cùng kỳ năm trước, qua đó kéo dài chuỗi giảm sang tháng thứ 31.
Sự suy thoái kéo dài của thị trường nhà ở, nợ hộ gia đình cao và tình trạng bất ổn việc làm đã cản trở đầu tư và chi tiêu của người tiêu dùng, duy trì áp lực giảm phát. Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những rủi ro bên ngoài ngày càng tăng từ các rào cản thương mại.
Áp lực giảm phát nhiều khả năng sẽ kéo dài và trở nên trầm trọng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan 145% với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng cách đánh thuế quan 125% lên hàng hóa Mỹ.
Cuộc chiến thuế quan có thể thúc đẩy các nhà xuất khẩu Trung Quốc bán hàng tồn kho ra thị trường nội địa, khiến tình hình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp càng trở nên gay gắt. Một số công ty có thể sẽ phản ứng bằng cách giảm giá sâu hơn nữa.
Những tổn thất về việc làm và thu nhập do thuế quan của Mỹ cũng có thể khiến người tiêu dùng Trung Quốc càng ngần ngại chi tiêu. Nếu điều này xảy ra, các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ sẽ càng có thêm động lực để hạ giá.
Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chịu sự đeo bám của giảm phát trong những tháng đầu năm, phản ánh sự mất cân bằng của cung - cầu.
Chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) - thước đo tổng quát về giá cả trong nền kinh tế - đã giảm 8 quý liên tiếp. Đây là chuỗi giảm dài nhất kể từ khi dữ liệu hàng quý được thu thập vào năm 1993.
"Trung Quốc vẫn phải đối mặt với áp lực giảm phát dai dẳng. Áp lực có thể tăng lên trong những tháng tới vì xuất khẩu có khả năng sẽ yếu đi", Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết.
Bắc Kinh vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể thúc đẩy được niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân và đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi sự đeo bám của “bóng ma” giảm phát...Ảnh: worldfinance.com
Đồng thời, Zhang nói thêm: "Ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được tiến triển và cắt giảm thuế quan trong các cuộc đàm phán thương mại, thuế quan khó có thể quay trở lại mức trước tháng 4. Cần có chính sách tài khóa chủ động hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước và giải quyết vấn đề giảm phát".
Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm kích thích tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực khác nhau và tuần trước đã công bố một loạt các biện pháp kích thích, bao gồm cắt giảm lãi suất và bơm mạnh thanh khoản.
Khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gây sức ép lên xuất khẩu, các gã khổng lồ bán lẻ của Trung Quốc, bao gồm JD.com và Freshippo thuộc sở hữu của Alibaba đã khởi xướng các biện pháp giúp các nhà xuất khẩu chuyển hướng sang thị trường trong nước. Điều đó có thể làm giá cả giảm thêm vì lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn còn yếu do triển vọng không chắc chắn.
Các ngân hàng đầu tư toàn cầu, bao gồm cả Goldman Sachs đã hạ dự báo GDP của Trung Quốc trong năm nay xuống dưới mục tiêu chính thức là khoảng 5%, với lý do là do tác động của cuộc chiến thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!