Thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 24/05/2025 19:10 GMT+7

bangdatally.xyz - Luật Đầu tư công cần được thiết kế lại theo các nguyên lý quản trị hiện đại: trao quyền - gắn trách nhiệm - giám sát thông minh - tập trung kết quả đầu ra.

Một số dự án chưa giải ngân vốn đầu tư công

Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay, tức là cao hơn mục tiêu 95% của trước đây. Đồng thời, coi kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá cán bộ, nếu không hoàn thành thì sẽ phải kiểm điểm, xử lý. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 diễn ra trong tuần này.

Tính đến cuối tháng 4 vừa qua, ước giải ngân chung của cả nước là 128,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mặc dù tỷ lệ thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 1% nhưng về giá trị tuyệt đối lại cao hơn 18.000 tỷ đồng.

Bên cạnh 10 Bộ, cơ quan Trung ương và 36 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên trung bình thì vẫn còn 37 Bộ, cơ quan và 27 địa phương giải ngân thấp hơn. Đặc biệt trong đó, một số đơn vị được giao số vốn lớn nhưng tỉ lệ giải ngân lại thấp.

Ngay trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã có Công điện, gửi 11 địa phương, trong đó chỉ đích danh các dự án giải ngân chậm, thậm chí là một số dự án còn chưa thực hiện giải ngân. Có thể kể đến như: Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì (lồng ghép nguồn vốn của tỉnh Vĩnh Phúc); Quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương - TP. Yên Bái; Quốc lộ 2C (tỉnh Tuyên Quang)…

Trường hợp không giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, không thể hoàn thành dự án theo tiến độ, đặc biệt là đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền gia hạn thời gian thực hiện và các dự án lồng ghép nguồn vốn địa phương, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền dừng thực hiện dự án để bàn giao về địa phương tiếp tục quản lý.

Thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Tính đến cuối tháng 4 vừa qua, ước giải ngân chung của cả nước là 128,5 nghìn tỷ đồng

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công

Tại kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội cũng sẽ xem xét để thông qua Dự án một luật sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu và tài chính, sẽ có nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ, theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai thực tế.

Điều đáng nói là công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các Bộ, ngành và địa phương. Bởi lẽ, cùng chung một mặt bằng pháp lý, cùng chung một cơ chế, có Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân tốt, nhưng vẫn có nơi "thong dong". Vướng mắc của đầu tư công vẫn chủ yếu nằm ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng hay quy trình thủ tục đầu tư kéo dài. Phần lớn những khâu này đều là trách nhiệm mà các địa phương sẽ phải tập trung giải quyết.

Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Quy trình pháp lý và thủ tục đầu tư, hiện nay nhiều dự án rất chậm do thủ tục đầu tư, điều chỉnh chủ trương, trên cơ sở đó tổ chức lập chủ trương đầu tư, triển khai công tác duyệt được dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu triển khai các công việc. Thời gian vừa qua, có nhiều đổi mới hoặc rút ngắn thủ tục nhưng vẫn còn rất khó khăn cần có nhiều khâu và nhiều bên tham gia trong quá trình thực hiện".

Ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chia sẻ: "Các dự án bố trí bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất theo tiến độ phải đến quý III/2025 mới ban hành được quyết định phê duyệt phương án bồi thường, giải ngân chi trả cho các hộ dân".

Tránh gián đoạn giải ngân đầu tư công vì sắp xếp tinh gọn bộ máy

Trong số các địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn so với mức trung bình của cả nước, phải kể đến đầu tàu kinh tế - Thành phố Hồ Chí Minh.

Hết tháng 4, thành phố mới giải ngân được 7,2%. Tuy nhiên, năm nay lượng vốn đầu tư công giao cho Thành phố lên đến 85.500 tỷ đồng - ở mức cao chưa từng có.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn bộ máy thành chính quyền địa phương hai cấp - là cấp thành phố và cấp xã - đang được triển khai... sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nhóm chủ đầu tư các dự án là chính quyền cấp quận, huyện. Do đó, hiện nay, chính quyền thành phố đang đứng trước "thách thức kép" - đó là vừa thúc đẩy tiến độ giải ngân như kế hoạch đặt ra, vừa tránh làm gián đoạn công tác giải ngân do việc sắp xếp lại bộ máy.

Dự án chống ngập khu dân cư có tổng mức đầu tư hơn 75 tỷ đồng. Chủ đầu tư là chính quyền quận 8 vừa quyết định đẩy tiến độ hoàn thành ngay trong tháng 6, sớm hơn hai tháng so với dự kiến. Một phần để tránh những thay đổi từ ngày 1/7, khi bộ máy chính quyền mới sau sắp xếp tinh gọn sẽ vận hành.

Có những công trình chỉ cần sử dụng nguồn cát san lấp đã đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên trước tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu cát hiện nay, các nhà thầu thậm chí chấp nhận bỏ ra giá cao hơn 20% để sử dụng nguồn cát xây dựng có chất lượng cao hơn. Tất cả để đảm bảo các dự án về đích đúng tiến độ.

Ông Vũ Thăng Triều - Chỉ huy công trình, Công ty TNHH Tiến Thành cho biết: "Do yêu cầu tiến độ thi công gấp rút nên công ty đã tăng thời gian thi công thêm ca ban đêm, nên sẽ đảm bảo rút ngắn tiến độ thêm 1/3".

Theo Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 22 ban quản lý dự án và 22 ban bồi thường giải phóng mặt bằng của quận, huyện sẽ được sắp xếp tinh gọn. Nếu không tổ chức, vận hành sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giải ngân đầu tư công. Do các ban quản lý dự án có thể chiếm hơn 95% tổng vốn được giao của cấp quận, huyện.

Trong lúc thành phố đang tổ chức sắp xếp, chính quyền các quận, huyện cũng chủ động các giải pháp để tránh tối đa những ảnh hưởng.

Ông Phạm Xuân Nam - Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Một là nhóm đang thực hiện, đã thực hiện xong, tập trung cho công tác quyết toán, tất toán ngay trong quý II. Đối với nhóm dự án mới, chúng tôi phối hợp với các sở ngành để làm công tác đề xuất đầu tư, để sau này các xã mới sẽ có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện".

Đối với nhóm các dự án quy mô lớn, trọng điểm quốc gia, giới chuyên gia kiến nghị các cơ chế đặc thù của TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng cho những dự án này sẽ tiếp tục được thực hiện.

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đưa ra nhận định: "Việc chúng ta đang soạn thảo, sửa đổi luật theo Hiến pháp mới có độ trễ. Do đó, để các địa phương không bị gián đoạn, cho phép các địa phương tiếp tục sử dụng theo tên địa phương mới sáp nhập đều được hưởng những quy định trong Nghị quyết đặc thù đó".

Để hỗ trợ công tác giải ngân được thông suốt, chính quyền thành phố tiếp tục yêu cầu rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công. Thực tế nhiều dự án vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu này.

Thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 2.

Tháo gỡ các điểm nghẽn để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Giải pháp thúc đẩy đầu tư công

Xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, nhiều địa phương đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ các dự án, tìm các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn để tăng tốc giải ngân trong các tháng tới đây.

Mặt bằng chưa được bàn giao hoàn toàn, thi công trong điều kiện chật hẹp…, thích ứng thực tế, các phương án thi công hiện trường của dự án bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 đã được điều chỉnh. Nhờ đó, nhiều hạng mục của dự án được đẩy nhanh, nhằm đưa dự án vào sử dụng ngay trong năm nay.

Ông Đỗ Trọng Lâm - Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội cho biết: "Mặt bằng diện tích hơi chật hẹp, do vậy trong thời gian tới sẽ tăng cường nhân công lên để đưa khối tầng hầm lên trên, sau đó sẽ triển khai công tác đào đất".

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Bình đã giải ngân đạt 22,6% vốn đầu tư công của năm nay, cao hơn bình quân chung của cả nước. Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp.

Ông Nguyễn Xuân Đạt - Giám đốc Sở Tài chính, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: "Công tác giải phóng mặt bằng là quan trọng nhất, đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tất cả các chủ đầu tư và chính quyền địa phương hỗ trợ tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng một cách tốt nhất, còn các nhiệm vụ khác rút gọn lại thời gian khoảng 30%".

Đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, chủ động hơn trong điều hành, trong 4 tháng, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 21B do huyện Ứng Hòa làm chủ đầu tư đã thực hiện được gần 60% vốn được giao trong năm nay. Hiện chủ đầu tư dự án đang lên kế hoạch bổ sung vốn để đưa dự án về đích trước ba tháng so với kế hoạch.

Ông Phùng Khắc Trung - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội chia sẻ: "Hiện nay, chúng tôi đang bố trí 5-7 mũi thi công trên các tuyến. Chỗ nào có mặt bằng chúng tôi thi công ngay".

Ông Cù Ngọc Trang - Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội nhận định: "Khi bộ máy tinh gọn trong thời gian tới, việc phân cấp phân quyền lại càng có ý nghĩa, nâng cao năng lực quản lý điều hành của cấp chính quyền cơ sở. Đặc biệt, người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều nhất bởi vì phân cấp về cơ quan giải quyết gần dân nhất, thời gian giải quyết sẽ nhanh nhất".

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị và các chủ đầu tư cũng là giải pháp được Chính phủ chỉ đạo sát sao trong thời gian qua. Bởi lẽ, những nơi nào mà Bí thư cấp ủy chưa sâu sát, cả hệ thống chính trị chưa vào cuộc, giải phóng mặt bằng chậm; đâu đó còn tồn tại tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ được giao.

Tại hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công diễn ra trong tuần qua, Thủ tướng đã chỉ ra 6 bài học kinh nghiệm cần thực hiện quyết liệt và nghiêm túc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: "Một là phải thực hiện nghiêm túc các sự chỉ đạo của các cấp từ Trung ương, Bộ Chính trị, cho đến Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng... phải rất nghiêm túc thực hiện chỉ đạo. Bởi vì khi chỉ đạo là có tính toán rồi, có tổng kết sơ kết, có nghiên cứu rồi. Bài học thứ hai là lãnh đạo chỉ đạo với một quyết tâm rất cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm và làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đấy.

Trong phân công phải 6 rõ, tinh thần lãnh đạo chỉ đạo từ trên xuống, giải quyết khó khăn vướng mắc phải từ dưới lên. Bài học thứ ba là vai trò người đứng đầu mang tính chất quyết định, những nơi ách tắc, khi thay đổi người đứng đầu hoặc người đứng đầu chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc quyết liệt thì có thay đổi, có hiệu quả ngay. Thứ tư là khâu giải phóng mặt bằng phải nhanh, kịp thời và đã tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án. Giải phóng mặt bằng nhanh, giải phóng mặt bằng tốt và lo toan cho người dân tốt thì các dự án triển khai nhanh. Thứ năm là phải phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà. Thứ 6 là lựa chọn đúng nhà thầu, các đồng chí chịu trách nhiệm chọn nhà thầu cho đúng".

Theo các chuyên gia, để gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công, cần thoát khỏi tư duy "một cỡ giày cho tất cả các đôi chân", thay vào đó, xây dựng hệ thống thủ tục dựa trên phân loại rủi ro và quy mô đầu tư. Dự án nhỏ, rủi ro thấp như tu bổ công trình cấp xã, hạ tầng nội thị... nên áp dụng quy trình rút gọn, giao quyền nhiều hơn cho địa phương. Dự án lớn, rủi ro cao cần đặt quy trình chặt chẽ hơn, có thể thẩm định độc lập, công khai hóa thông tin để xã hội cùng giám sát.

Muốn làm được điều đó, Luật Đầu tư công cần được thiết kế lại theo các nguyên lý quản trị hiện đại: trao quyền - gắn trách nhiệm - giám sát thông minh - tập trung kết quả đầu ra. Khi ấy, đầu tư công mới thực sự trở thành động lực phát triển, thay vì còn nhiều điểm nghẽn như hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước