Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số mỗi năm trong giai đoạn tới, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt là những lĩnh vực có khả năng tạo đột phá như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó việc thúc đẩy, khơi thông hiệu quả hơn vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này được coi là một "kim chỉ nam".
Gọi được vốn mạo hiểm từ quỹ ngoại để mở rộng quy mô sản xuất lên gấp ba lần so với trước. Thành quả của công ty khởi nghiệp đạt được có vai trò hỗ trợ không nhỏ từ các bộ ngành cho đến chính quyền TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thái Hoàng - Quản lý Vận hành Công ty Buyo cho biết: "Vai trò của Nhà nước là tạo sân chơi và nền móng để từ đó startup có thể phát triển, đi lên, tìm kiếm những nguồn về vốn cũng như cơ hội hợp tác rất lớn đối với các startup bên mình".
Nghị quyết 68 cho phép hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu phát triển
Chọn TP. Hồ Chí Minh làm nơi khởi nghiệp và kinh doanh cho đến khi đạt mức định giá tỷ USD, Thành phố sẽ còn có thêm nhiều lợi thế để thúc đẩy tốt hơn đổi mới sáng tạo, đặc biệt là khi sau hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu, cùng việc sớm hình thành trung tâm tài chính quốc tế.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập Công ty MoMo chia sẻ: "Mong rằng thời gian tới TP. Hồ Chí Minh sẽ có nhiều chính sách thúc đẩy, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuộc khối tư nhân. Đặc biệt giúp cho đơn vị đó có thể lên sàn chứng khoán để huy động vốn, sử dụng nguồn vốn nội địa".
Riêng năm nay để đạt mức tăng trưởng hai con số như mục tiêu, chính quyền Thành phố ước tính cần huy động đến hơn 460.000 tỷ đồng đầu tư từ khu vực tư nhân (bao gồm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư cần huy động.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định: "Nhà nước chỉ đầu tư vào giai đoạn nghiên cứu cơ bản. Rồi phổ biến, lan tỏa trí thức đó như một loại hàng hóa công. Thứ hai là phát huy vai trò của mô hình đối tác công tư PPP. Bởi vì đầu tư cho khoa học công nghệ rất rủi ro, Nhà nước cần tham gia vào mô hình PPP với tư cách chia sẻ rủi ro với tư nhân, tạo động lực để tư nhân mạnh dạn hơn đầu tư vào đổi mới sáng tạo".
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành đã có nhiều nội dung mang tính đột phá, kỳ vọng thúc đẩy tốt hơn đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Nghị quyết cho phép hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết thiết kế một khung pháp lý cho cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (còn gọi là sandbox), tạo một không gian phát triển chưa từng có cho ý tưởng kinh doanh đổi mới sáng tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!