Doanh nghiệp hưởng lợi từ sự gia tăng tổng cầu trong nước
Theo số liệu công bố của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2025 ước đạt hơn 582 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,4%). Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.752.5 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,7% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ngoài tiêu dùng cá nhân, đầu tư trong nước cũng có dấu hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh mở rộng sản xuất, đầu tư vào công nghệ và hạ tầng. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ thúc đẩy mạnh với nhiều dự án trọng điểm khởi động từ cuối năm 2024, như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, các tuyến đường vành đai tại Hà Nội và TP. HCM. Đây là những yếu tố đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng tổng cầu trong nước.
Thêm vào đó, 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,0%; nhập khẩu tăng 18,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,79 tỷ USD. Tuy đây là yếu tố thuộc về tổng cầu toàn cầu, nhưng sự ổn định của xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào nhu cầu thị trường, từ đó thúc đẩy các quyết định đầu tư và mở rộng sản xuất trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, tình hình kinh tế Việt Nam có sự khởi sắc. Tổng cầu trong nước tăng trưởng ổn định không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa thuận lợi hơn mà còn tạo tiền đề để doanh nghiệp mở rộng quy mô, tăng sản lượng và tuyển dụng thêm lao động. Theo thống kê, gần 90 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 4 tháng đầu năm, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước đã nói lên sự hồi phục niềm tin và kỳ vọng tích cực của khu vực tư nhân.
Có thể khẳng định, sự phục hồi của thị trường tiêu dùng nội địa đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trụ vững trước bão. Yếu tố này có thể làm nền tảng tốt để bù đắp sự suy giảm nhất định về kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới do biến động toàn cầu và chiến tranh thương mại leo thang, thông qua đó dần lấy lại đà tăng trưởng nhờ dòng tiền tiêu dùng nội địa quay trở lại.
Doanh nghiệp xuất khẩu “quay về” thị trường nội địa để vượt bão thuế quan từ Mỹ
Theo đánh giá của TS.Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội, tổng cầu trong nước tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm 2025 là minh chứng rõ nét cho sự phục hồi của nền kinh tế nước ta. Khi người dân chi tiêu nhiều hơn, doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn và Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, một chu kỳ tăng trưởng bền vững đang dần hình thành. "Doanh nghiệp Việt cần tận dụng tốt “thiên thời, địa lợi” này để củng cố nội lực, đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh trong dài hạn", ông Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, trước bối cảnh chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt là việc Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khắt khe hơn đối với hàng hóa từ châu Á, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã chủ động chuyển hướng chiến lược khai thác tối đa tiềm năng của thị trường nội địa.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chuyển một phần hàng xuất khẩu sang phục vụ thị trường trong nước, nơi đang có tổng cầu phục hồi tích cực.
Thực tế cho thấy, trong tháng 4/2025, Mỹ tiếp tục gia tăng kiểm tra chống lẩn tránh thuế và rà soát các mặt hàng như gỗ, thép, dệt may, thủy sản từ Việt Nam... Điển hình, trao đổi với phóng viên, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) chia sẻ, một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn ghi nhận đơn hàng chững lại do lo ngại chi phí thuế quan tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, thay vì bị động, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chuyển một phần hàng xuất khẩu sang phục vụ thị trường trong nước, nơi đang có tổng cầu phục hồi tích cực. "Nhiều doanh nghiệp dệt may đã tung ra các dòng sản phẩm mới, phù hợp với gu tiêu dùng của người Việt, đẩy mạnh chuỗi bán lẻ nội địa, mở rộng hệ thống phân phối và tận dụng xu hướng tiêu dùng hàng Việt tăng cao... Đơn cử như Công ty May 10, Vinatex.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản, nông sản, đồ gỗ, da giày...vốn phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ – cũng đang tích cực đẩy mạnh bán lẻ trong nước qua kênh siêu thị, thương mại điện tử và cửa hàng tiện lợi.
Ông Hiếu nhấn mạnh, thị trường nội địa hơn 100 triệu dân không chỉ là "đệm an toàn" cho doanh nghiệp xuất khẩu khi gặp khó ở nước ngoài, mà còn là một sân chơi chiến lược để xây dựng thương hiệu bền vững và ít rủi ro hơn về chính sách. Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm về vấn đề này.
Để tận dụng sự tăng trưởng của tổng cầu trong nước và vượt qua các thách thức như rào cản thuế quan từ Mỹ, doanh nghiệp cần tái định vị thị trường nội địa như một thị trường chiến lược, không chỉ là "phương án dự phòng". Đồng thời, doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc vào thị trường nội địa thay vì chỉ coi đây là nơi tiêu thụ khi xuất khẩu gặp khó để ưu tiên tập trung nghiên cứu thị trường, hiểu rõ thị hiếu, thu nhập và xu hướng tiêu dùng trong nước nhằm đưa ra sản phẩm phù hợp, định giá hợp lý. Song song với đó, tăng cường phát triển sản phẩm và thương hiệu cho người tiêu dùng trong nước, đổi mới thiết kế, bao bì, chất lượng. Hàng hóa từng sản xuất để xuất khẩu cần được điều chỉnh để phù hợp với thị trường nội địa về mẫu mã, khẩu vị, kích thước, thói quen sử dụng.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu nội địa riêng biệt. Lâu nay, nhiều doanh nghiệp vẫn bán dưới thương hiệu nước ngoài khi xuất khẩu, nhưng thị trường nội địa cần chiến lược xây dựng thương hiệu riêng cho người Việt. Doanh nghiệp cần tiếp tục mở rộng chuỗi bán lẻ, hợp tác với siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhằm đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh và hiệu quả hơn; tiếp tục nâng cao minh bạch, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng để không chỉ vượt rào cản xuất khẩu mà còn xây dựng niềm tin với người tiêu dùng trong nước; Tăng hiện diện trên nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt với các doanh nghiệp xuất khẩu vốn quen làm việc theo đơn hàng lớn thì nay cần học cách tiếp cận khách hàng lẻ qua các sàn như Tiki, Shopee, Lazada, TikTok Shop…
Đối với cơ quan nhà nước, ông Hiếu cho rằng, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin dự báo diễn biến của thị trường, hỗ trợ về vốn để tăng nội lực cho doanh nghiệp; tinh gọn bộ máy hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thành phần kinh tế tư nhân hoạt động hiệu quả hơn.../.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!