Các cơ chế chính sách để phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam cần có nhiều đột phá, dựa trên các mô hình tài chính truyền thống, kết hợp với các đột phá về công nghệ. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính, đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý về xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thành lập trung tâm tài chính của Việt Nam. Hội nghị do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình chủ trì sáng nay tại Hà Nội.
Tại sự kiện sáng nay, các chuyên gia quốc tế và các đại biểu đều nhất trí với quan điểm, việc xây dựng một trung tâm tài chính duy nhất tại Việt Nam, nhưng đặt ở hai Thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là hoàn toàn khả thi. Hai mô hình này có thể hỗ trợ, bổ trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, để tránh trùng lắp, tạo ra sự khác biệt, cần thiết kế và tập trung chuyên môn hoá, lựa chọn những lĩnh vực phát triển phù hợp với mỗi Thành phố.
Nêu ví dụ về hàng loạt mô hình trên thế giới, các đại biểu cho rằng, trong thập kỷ vừa qua, các trung tâm tài chính quốc tế mới thành công nhất không còn phát triển theo mô hình một địa điểm duy nhất. Thay vào đó là việc phát triển hệ sinh thái đa trung tâm với các thành phố khác nhau, đảm nhiệm vai trò chuyên biệt.
Ông Jochen Biedermann - Giám đốc điều hành, Liên minh các Trung tâm tài chính quốc tế (WAIFC) cho biết: "Chúng ta có thể nhìn vào ví dụ của Trung Quốc. Hong Kong (Trung Quốc) là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Còn Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Hàng Châu là những trung tâm công nghệ tài chính (fintech). Hay Nhật Bản, Tokyo là thủ đô tài chính, nhưng năm ngoái, Nhật Bản cũng đưa ra chính sách xây dựng 4 Thành phố khác trở thành trung tâm tài chính".
Nghị quyết về thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam dự kiến sẽ được trình Quốc hội ngay trong kỳ họp tháng 5
Với hai Thành phố của Việt Nam, các chuyên gia đề xuất TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung phát triển thị trường tài chính, tiền tệ truyền thống với các dịch vụ như quản lý quỹ, quản lý tài sản, cổ phiếu trái phiếu… Đồng thời, phát triển các sàn giao dịch mới như sàn giao dịch hàng hoá, tín chỉ carbon. Trong khi đó, Đà Nẵng có thể hướng đến việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mô hình công nghệ tài chính (fintech).
Ông Richard Mcclellan - Đại diện Công ty Terne Holdings Singapore chia sẻ: "Đà Nẵng là môi trường lý tưởng để thử nghiệm các công nghệ mới trong không gian kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ quan tâm hợp tác với Thành phố để triển khai thí điểm các mô hình fintech, định danh điện tử (eKYC). Quy mô, chi phí và sự năng động của thành phố là những yếu tố lý tưởng để thu hút đầu tư".
Lãnh đạo hai Thành phố đã khẳng định, đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cho việc phát triển mô hình trung tâm tài chính.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận định: "Đặc biệt, vừa rồi chúng tôi đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền sẽ định hình, xây dựng một Thành phố tài chính trong 5 hòn đảo được làm trên vịnh Đà Nẵng. Chúng tôi sẽ hình thành 5 hòn đảo nổi theo mô hình của Dubai và sẽ dành ra một hòn đảo khoảng 350 ha chuyên để làm Thành phố về tài chính".
Nghị quyết về thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam dự kiến sẽ được trình Quốc hội ngay trong kỳ họp tháng 5 này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!