Giá dừa tươi cao kỷ lục
Ghi nhận tại "thủ phủ" dừa Bến Tre, giá thu mua dừa tươi tại vườn trong tuần qua đã chạm mốc 220.000 đồng/12 trái, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái - mức giá cao chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Dừa xiêm xanh hiện đang hút hàng cả thị trường nội địa và quốc tế.
Theo các thương lái, nguyên nhân chính dẫn đến việc dừa xiêm xanh tăng giá là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ dừa tươi uống nước trên thị trường tăng cao dẫn đến dừa hút hàng. Mặc dù giá dừa tăng cao nhưng sản lượng dừa lại giảm mạnh, nhiều vườn dừa chỉ đạt khoảng 50% năng suất so với năm trước. Ngoài ảnh hưởng do xâm nhập mặn thì sâu đầu đen hiện đang là mối nguy lớn với nhà vườn trồng dừa tại địa phương này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng của các vườn không chỉ riêng vụ mùa này mà còn các vụ tiếp theo.
Sản xuất xanh - Hướng đi sống còn của ngành dừa
Có thể thấy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh đe dọa mùa màng, việc chuyển hướng canh tác bền vững, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng bệnh là hướng đi tất yếu.
Bến Tre đang duy trì và phát triển 20.000 ha dừa hữu cơ, cùng 2.000 ha vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số để phục vụ chế biến và xuất khẩu. Hiện đang là giai đoạn chuyển mình cho cả nông dân và ngành nông nghiệp của địa phương, hướng tới chuyển đổi xanh.
Cần chiến lược phát triển ngành dừa bền vững
Ở tuổi 70, chính ông Tiều cũng không dám nghĩ mình sẽ đi một con đường mới, con đường mà ông vẫn gọi là tìm lại sức sống cho vườn dừa. Những trái dừa rụng nay được thu gom để hạn chế vi sinh vật có hại theo dòng nước gây bệnh cho cả vườn. Lá dừa khô giữ độ ẩm và làm giàu dinh dưỡng cho đất khi hoai mục. Làm theo cách này, năng suất có giảm, nhưng đất sẽ bền và khỏe hơn.
Con đường của ông Tiều không đơn độc mà luôn có những cán bộ kĩ thuật của đơn vị liên kết đồng hành, bởi để chuyển đổi sang vườn dừa hữu cơ cần thay đổi thói quen canh tác. Đơn cử như việc dọn cỏ, không dùng thuốc diệt cỏ, bởi chỉ có như vậy mới tạo môi trường sống cho các loài thiên địch có lợi sinh sôi.
Quá trình chuyển đổi canh tác không chỉ cần tư vấn kĩ thuật mà còn cần hỗ trợ về vốn để cải tạo lại vườn. Tại Bến Tre, các hộ canh tác xanh, chuyển đổi hướng sản xuất sạch đều được hỗ trợ ưu đãi vay vốn. Một đơn vị tín dụng đã cho các hộ sản xuất và thu mua dừa vay tới 160 tỷ đồng trong năm 2024. Điều này không chỉ giúp nông dân quay vòng vốn nhanh mà tạo thêm tính bền chặt cho liên kết chuỗi.
Với sinh khối lớn, cây dừa có khả năng hấp thụ một lượng lớn khí CO2 từ bầu khí quyển, nên được chọn làm cây trồng chủ lực để Bến Tre hướng tới mục tiêu net zero.
Cần chiến lược phát triển ngành dừa bền vững
Trước đây, dừa tươi Bến Tre chủ yếu tiêu thụ nội địa, qua thương lái cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong nước. Gần đây, mặt hàng này bắt đầu được xuất khẩu, mở ra cơ hội mới cho ngành dừa. Nhờ mở rộng các thị trường, kim ngạch xuất khẩu dừa đã tăng lên 1 tỷ USD vào năm ngoái, một bước tiến vượt bậc từ mức 180 triệu USD của 4 năm trước đó.
Lợi thế của dừa Việt Nam nằm ở giống dừa nổi trội, mang hương vị đặc trưng được ưa chuộng tại Mỹ và Trung Quốc. Để khai thác tối đa, ngành cần đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, kết nối nông dân với doanh nghiệp qua hợp đồng bao tiêu dài hạn. Bên cạnh đó, đầu tư vào logistics hiện đại và công nghệ chế biến sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian bảo quản, để tăng thêm lợi thế cạnh tranh cho trái dừa tươi. Bảo vệ thương hiệu thông qua truy xuất nguồn gốc, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế sẽ là cơ sở để quả dừa nước ta có thể mở rộng sang các thị trường mới như châu Âu và Trung Đông cũng như các thị trường khắt khe như Mỹ và EU.
Đặc biệt thời gian gần đây, tình trạng khan hiếm nguyên liệu không chỉ khiến nhiều nhà máy chế biến dừa hoạt động cầm chừng, mà còn buộc một số doanh nghiệp phải tạm dừng xuất khẩu dừa. Một chiến lược phát triển vùng nguyên liệu bền vững đang là vấn đề cấp bách được đặt ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!