Siết quản lý thuế bán hàng online: Áp lực hay cơ hội?

Thế Hà - VTV Times-Chủ nhật, ngày 18/05/2025 08:57 GMT+7

bangdatally.xyz - Siết quản lý thuế bán hàng online: gánh nặng tăng chi phí, hay cơ cơ hội minh bạch và lớn mạnh? Góc nhìn từ những người kinh doanh trên môi trường số.

Ngày 15/5/2025, Cục Thuế đã có thư ngỏ gửi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động Thương mại điện tử (TMĐT), khuyến nghị tuân thủ nguyên tắc "Người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm." Cơ quan thuế khẳng định sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ nhưng cũng tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thuế.

Thư ngỏ được ban hành trong bối cảnh việc siết quản lý thuế với hoạt động bán hàng online đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một số người coi đây là cơ hội để phát triển bài bản, minh bạch hơn; trong khi số khác lại lo ngại những chi phí gia tăng sẽ trở thành gánh nặng.

Ý kiến trái chiều từ người kinh doanh

Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu từ TMĐT phải đóng 1% thuế giá trị gia tăng (VAT) và 0,5% thuế thu nhập cá nhân (TNCN), chưa kể phí sàn thương mại điện tử (thường dao động từ vài % đến 20%). Điều này khiến nhiều người bán hàng online cảm thấy áp lực, nhất là trong bối cảnh tiêu dùng suy giảm.

Siết quản lý thuế bán hàng online: Áp lực hay cơ hội? - Ảnh 1.

Người Việt chi gần 900 tỷ đồng mua hàng online trong năm 2024 (theo công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric)

Chị V.H.H, điều hành một kho hàng và nhiều cộng tác viên chuyên bán hàng "xách tay" tại TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi đã phải đóng các loại phí thông quan hàng hóa. Hai năm nay nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, doanh số đi xuống, việc phải đóng thuế sẽ tiếp tục gây khó khăn, dễ dẫn đến đóng cửa hoạt động."

Chị N.G – một người bán hàng online khác tại TP Hồ Chí Minh – chia sẻ thêm: "Thuế ở mức 1,5%, nghe thì ít, nhưng cộng dồn thì ảnh hưởng đến lợi nhuận. Doanh thu 100 triệu đồng, mỗi tháng phải đóng 1,5 triệu đồng. Chúng tôi buộc phải tăng giá, cắt chi phí để bù phần này."

Tuy nhiên, không ít người lại nhìn thấy cơ hội từ việc tuân thủ thuế.

Anh Phạm Hoàng Nam, một người kinh doanh online tại Hà Nội, cho biết tháng trước vừa đóng hơn 9,7 triệu đồng tiền thuế: "Việc nộp thuế giúp mình yên tâm hơn, không lo bị xử phạt sau này. Đồng thời cũng là lợi thế cạnh tranh. Khi khách hàng thấy shop đóng thuế đầy đủ, họ tin tưởng hơn vì có sự kiểm soát. Theo Bộ Công Thương, năm ngoái có đến 70% đơn hàng online vi phạm chất lượng đến từ các shop không đăng ký, trốn thuế."

Với chị Nguyễn Lan Anh – chủ một hệ thống bán hàng online tại nhiều tỉnh thành – việc kê khai thuế được xem là "tấm vé an toàn" cho tương lai: "Nó giúp mình tránh được rủi ro pháp lý, xây dựng uy tín với khách hàng, nhà vận chuyển, cả sàn TMĐT. Để hợp tác với đối tác lớn, mình cần minh bạch thuế."

Ngoài ra, việc tuân thủ thuế còn giúp người kinh doanh dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Theo Quyết định 2568/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp có hồ sơ thuế rõ ràng có thể được vay vốn với lãi suất thấp hơn 2–3% so với thông thường.

Kỳ vọng hỗ trợ từ sàn và chính sách

Hơn 24.500 trường hợp kinh doanh TMĐT bị xử lý vi phạm thuế

Cơ quan thuế đã phát hiện và xử lý hơn 24.500 trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh và DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử vi phạm nghĩa vụ thuế. Các vi phạm chủ yếu gồm:

- Không đăng ký mã số thuế.

- Khai báo doanh thu không đầy đủ.

- Chậm nộp hoặc không nộp thuế theo quy định.

Tổng số tiền truy thu và xử phạt lên đến 469 tỷ đồng.

Việc siết chặt quản lý thuế TMĐT chắc chắn tạo ra thay đổi. Nhưng đó là xu thế tất yếu để xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng và bền vững hơn – nơi người kinh doanh "làm ăn đàng hoàng" được bảo vệ và phát triển đúng luật.

Theo Cục Thuế, trong 4 tháng đầu năm 2025, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đạt 42.600 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2024. Nguồn thu này đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đồng thời, theo Nghị quyết 43/2022/QH15, hộ kinh doanh online có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm vẫn tiếp tục được miễn thuế đến hết năm 2025.

Chính phủ cũng đã số hóa quy trình nộp thuế: Cổng Dịch vụ công quốc gia cho phép đăng ký mã số thuế online chỉ trong 10 phút, đồng bộ mã số thuế với tài khoản ngân hàng cá nhân (theo Quyết định 1466/QĐ-BTC). Tổng cục Thuế còn hợp tác với Facebook, TikTok đào tạo miễn phí hàng chục nghìn người kinh doanh online về kê khai thuế qua livestream hoặc hội thảo trực tiếp.

Dù vậy, nhiều người kinh doanh vẫn kỳ vọng thêm sự đồng hành. Chị Lan Anh đề xuất: "Các sàn TMĐT như Shopee, Lazada hay Tiki nên hỗ trợ trực tiếp việc kê khai thuế hoặc tích hợp công cụ nộp thuế vào hệ thống. Điều này giúp người bán thực hiện nghĩa vụ dễ dàng hơn."

Anh Nam (Hà Nội) cũng mong ngành thuế sớm triển khai cơ chế các sàn khấu trừ thuế tại nguồn và nộp thay người bán như đã thông báo từ 1/4/2025, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Một đề xuất chung được nhiều hộ kinh doanh chia sẻ: các sàn TMĐT nên xem xét lại mức phí, bởi hiện tại mức phí từ vài phần trăm đến 20% là khá cao, gây áp lực lớn lên người bán hàng nhỏ lẻ./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước