Thương mại điện tử nội địa lép vế
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thương mại điện tử đã trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng Việt trên toàn cầu. Đặc biệt, với thương mại điện tử, doanh nghiệp sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí để xuất khẩu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng chóng mặt của các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra môi trường cạnh tranh gay gắt đối với hoạt động của những sàn thương mại điện tử nội địa.
Theo thống kê mới nhất từ Metric, tổng doanh số giao dịch (GMV) của bốn sàn thương mại điện tử lớn gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đạt hơn 101.400 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ hai nền tảng dẫn đầu là TikTok Shop với tăng trưởng GMV 113,8%, nâng thị phần lên 35% và Shopee với 62%, giảm nhẹ so với mức 68% cùng kỳ. Còn Lazada giảm 43,5% doanh số, chỉ còn chiếm khoảng 3%.
Đáng chú ý, Tiki ghi nhận mức giảm doanh số tới 66,6%, rơi khỏi bảng thống kê tỷ trọng thị phần của Metric. Tiki - một trong những nền tảng thương mại điện tử nội địa hàng đầu, từng được xem là niềm tự hào của Việt Nam khi cạnh tranh trực tiếp với Shopee, Lazada, TikTok Shop…Tuy nhiên, cuối năm 2024, VNG chính thức rút vai trò điều hành khỏi Tiki Global. Khoản lỗ hơn 510 tỷ đồng và áp lực từ cuộc đua không khoan nhượng đã khiến VNG, cổ đông lớn nhất, quyết định ngừng đầu tư cho Tiki Global, khiến sàn thương mại điện tử này đang đối mặt với vô vàn khó khăn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp với Tổng cục Thuế rà soát, yêu cầu thương nhân, tổ chức sở hữu 120 website và 44 ứng dụng làm rõ việc dừng hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc giải thể hoặc ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Điều này cho thấy, thị trường đang trải qua giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ, khi hàng loạt nền tảng, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa, buộc phải rút lui hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới sở hữu nguồn vốn dồi dào, nền tảng công nghệ tiên tiến cùng mạng lưới logistics tối ưu. Bên cạnh đó, họ còn có đội ngũ nhân lực trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp và các công cụ marketing hiện đại. Trong khi đó, điểm yếu lớn nhất của các sàn thương mại điện tử nội địa là vốn và công nghệ - hai yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển. Đó là một trong những lý do cơ bản khiến các sàn thương mại điện tử nội địa lép vế trước các đối thủ "ngoại".
Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội?
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), sự tham gia ngày càng sâu và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam bằng lợi thế hàng giá rẻ, mạng lưới giao vận hiện đại và hỗ trợ từ mô hình kinh doanh công nghệ của các sàn thương mại điện tử nước ngoài đã, đang và sẽ tạo sức ép rất lớn đối với các sàn nội.
Lý giải nguyên nhân dẫn tới việc một số sàn thương mại điện tử nội địa bị lép trong cuộc cạnh tranh với các sàn thường mại điện tử xuyên biên giới, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế cho biết do hạ tầng, pháp lý và những nền tảng mang tính chất là sản phẩm số, công nghệ AI và những nền tảng có thể tiếp cận người bán hàng qua các diễn đàn rao vặt…
Các nền tảng thương mại điện tử Việt Nam cần cải tiến công nghệ
Thực tế cho thấy, các mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng đa dạng và có sức cạnh tranh lớn. Các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Alibaba, Taobao, Tmall, Shein, 1688, Pindoudou, JD.com...là mối đe dọa lớn nhất đối với doanh nghiệp nội trong thời gian tới. Do đó, để sàn nội tồn tại và phát triển, nước ta cần có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Về vấn đề này, theo bà Oanh, Bộ Công thương đã xây dựng Dự thảo Luật Thương mại điện tử với những quy định cụ thể, chi tiết và phù hợp với bối cảnh thực tế, các quy định sẽ chặt chẽ hơn đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Còn theo ông Phong, các nền tảng thương mại điện tử Việt Nam cần cải tiến công nghệ, phát huy thế mạnh về lợi thế địa phương, nắm bắt và thích nghi nhanh nhạy với xu hướng tiêu dùng mới. Doanh nghiệp nội cũng rất cần sự hỗ trợ về chính sách, về vốn và về hạ tầng logistics.
Chia sẻ thêm về giải pháp, theo bà Hà, cần có những cái bắt tay giữa thương mại điện tử xuyên biên giới và nội địa để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Các sàn thương mại điện tử nội địa cần đảm bảo chất lượng hàng hóa và đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, thông tin hàng hoá trên nền tảng cần minh bạch và đầy đủ, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!