Hãng thông tấn Reuters đưa tin, trả lời các câu hỏi của phóng viên tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết, Trung Quốc là bên khởi xướng các cuộc đàm phán thương mại cấp cao sắp tới giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh, ông không muốn cắt giảm thuế quan với hàng hóa Trung Quốc để đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán.
Trước đó, truyền thông thế giới đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ gặp gỡ phái đoàn đàm phán của Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 10/5 để thảo luận về căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Văn phòng Đại diện Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ cũng thông tin thêm, hai ông Greer và Bessent ngày 8/5 sẽ lên đường đi Thụy Sĩ và dự kiến gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Karin Keller-Sutter để thảo luận về quan hệ thương mại "có đi có lại" giữa các bên.
Diễn biến này được thị trường tài chính toàn cầu trông đợi bởi các đòn thuế quan giữa hai bên đã khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng. Phố Wall nhiều phen chảo đảo và các nhà đầu tư ngày càng trở nên thận trọng.
Trước thông báo vừa được đưa ra, vẫn chưa khi nào nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới sẽ sẽ ngồi lại để xoa dịu tình hình bế tắc.
Bắc Kinh đã đưa ra lời lẽ gay gắt khi căng thẳng với Washington gia tăng, đồng thời khẳng định sẽ không ngồi vào bàn đàm phán trừ khi Hoa Kỳ rút lại thuế quan với hàng hóa Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã ám chỉ rằng phía Mỹ đã ra ra tín hiệu mong muốn đàm phán.
"Họ nói chúng tôi đã khởi xướng ư? Vâng, tôi nghĩ họ nên quay lại và nghiên cứu hồ sơ", ông Trump trả lời câu hỏi của một phóng viên tại Nhà Trắng.
Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng giảm thuế với hàng hóa Trung Quốc để khiến Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán hay không, Trump trả lời dứt khoát: "Không".
Tổng thống Mỹ công bố mức thuế đối ứng khiến cả thị trường tài chính toàn cầu gặp cú sốc vào đầu tháng 4 (Ảnh: AP)
"Chúng tôi đang mất một nghìn tỷ USD mỗi năm với Trung Quốc về thương mại. Thực tế là nhiều hơn thế", ông Trump nói. "Còn giờ, bạn biết chúng tôi đang mất gì không? Không mất gì cả. Không tệ đâu".
Các cuộc đàm phán theo kế hoạch diễn ra vào cuối tuần này, sau nhiều tuần căng thẳng leo thang khiến thuế nhập khẩu hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng vọt lên hơn 100%. Đây là mức thuế tương đương với mức "cấm vận thương mại", theo lời của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.
Reuters đánh giá, cục diện Mỹ - Trung bế tắc, cộng thêm quyết định về việc áp thuế toàn diện đối với hàng chục quốc gia khác của ông Trump, đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng, làm xáo trộn thị trường tài chính và làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái mạnh mẽ trong tăng trưởng toàn cầu.
Vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng cao chưa từng có với hàng hóa Trung Quốc, nâng tổng thuế mà hàng Trung Quốc phải chịu khi xuất khẩu vào Mỹ lên 145%, với lý do Bắc Kinh có hành vi thương mại không công bằng và liên quan đến khủng hoảng fentanyl tại Mỹ. Ngay lập tức, Trung Quốc trả đũa bằng mức thuế 125%. Trung Quốc cương quyết phản đối hàng rào thuế đối ứng và áp thuế trả đũa 125% với hàng hóa Mỹ.
Jake Colvin, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Đối ngoại Quốc gia Mỹ, cho biết mức thuế hiện tại là "không thể chấp nhận được" và "có thể gây ra thiệt hại lớn cho cả hai nền kinh tế nếu chúng kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm".
Chính quyền Tổng thống Trump thời gian qua liên tục đưa ra những thông điệp trái ngược liên quan đến tiến trình đàm phán với các đối tác thương mại lớn. Trong bối cảnh nhiều nước đang nỗ lực chạy nước rút để đạt thỏa thuận trước khi phải gánh mức thuế nhập khẩu nặng nề, Mỹ vẫn tỏ ra cứng rắn và chưa có động thái rõ ràng với Trung Quốc.
Trình bày trước quốc hội Mỹ trong ngày 6/5, ông Bessent tiết lộ rằng Mỹ đang đàm phán với 17 đối tác thương mại lớn, nhưng Trung Quốc chưa nằm trong danh sách này. Một số thỏa thuận có thể được công bố ngay trong tuần này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!