Ông Trump ca ngợi cuộc đàm phán "mang tính xây dựng" với Trung Quốc

Thùy An-Chủ nhật, ngày 11/05/2025 10:15 GMT+7

bangdatally.xyz - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lên tiếng ca ngợi cuộc đàm phán với Trung đang diễn ra tại Thụy Sĩ.

Trên nền tảng Truth Social, tổng thống Donald Trump đã ca ngợi các cuộc đàm phán với Trung Quốc tại Thụy Sĩ vừa diễn ra, đồng thời cho biết, qua đàm phán đã "thiết lập lại hoàn toàn quan hệ thương mại giữa hai nước, theo cách thân thiện và mang tính xây dựng".

"Một cuộc họp rất tốt đẹp với Trung Quốc tại Thụy Sĩ. Nhiều điều đã được thảo luận, nhiều điều đã được nhất trí", ông Trump đăng trên nền tảng Truth Social của mình.

"Chúng tôi muốn thấy điều này vì lợi ích của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trung Quốc mở cửa cho doanh nghiệp Hoa Kỳ. ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC TIẾN BỘ LỚN!!!", ông Trump nhấn mạnh thêm nhưng không cung cấp thông tin cụ thể hơn về tiến triển đàm phán.

Reuters trước đó đưa tin, các quan chức cấp cao của Mỹ  và Trung Quốc đã kết thúc ngày đàm phán đầu tiên tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm xoa dịu cuộc chiến thương mại đe dọa "làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu". Một nguồn tin thân cận nói thêm với Reuters, hai bên có kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán vào Chủ Nhật.

Cụ thể hơn, Phó Thủ tướng Trung Quốc, He Lifeng đã họp khoảng 8 giờ với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp thuế quan lên hàng hóa của nhau tới hơn 100%.

Ông Trump ca ngợi cuộc đàm phán mang tính xây dựng với Trung Quốc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent trong cuộc gặp với phái đoàn Thuỵ Sĩ (Ảnh: AP)

Theo Reuters, không bên nào đưa ra bất kỳ tuyên bố sau phiên đàm phán đầu tiên cũng như cung cấp thông tin về nội dung các cuộc thảo luận. Các tín hiệu cụ thể hướng tới việc giảm thuế vốn rất được giới đầu tư mong chờ cũng hoàn toàn không được hé lộ.

Cuộc gặp Mỹ - Trung tại Geneva diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng do đòn áp thuế của tổng thống Trump bắt đầu vào tháng 2 và hành động trả đũa từ Bắc Kinh sau đó, khiến thương mại song phương trị giá gần 600 tỷ USD bị đình trệ.

Tranh chấp thương mại, kết hợp với quyết định của ông Trump vào tháng trước về việc áp thuế "có đi có lại" với hàng chục quốc gia khác, đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm bất ổn thị trường tài chính và làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng.

Địa điểm đám phán không được hé lộ

Reuters cho biết, địa điểm chính xác nơi diễn ra các cuộc đàm phán tại Geneva Thụy Sĩ chưa bao giờ được công khai. Tuy nhiên, một số nhân chứng đã nhìn thấy cả hai phái đoàn trở về sau giờ nghỉ trưa tại biệt thự của đại sứ Liên Hợp Quốc, nhìn ra Hồ Geneva.

Trước đó, các quan chức Mỹ bao gồm Bộ trưởng Bessent và ông Greer đã mỉm cười khi rời khách sạn, lên đường đến các cuộc đàm phán. Ông Bessent từ chối trả lời phỏng vấn các phóng viên.

Ông Trump ca ngợi cuộc đàm phán mang tính xây dựng với Trung Quốc - Ảnh 2.

Ông Trump tuyên bố áp thuế đối ứng lên hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ (Ảnh: AP)

Giới đầu tư theo dõi sát sao đàm phán Mỹ - Trung 

Truyền thông quốc tế cho hay, ngày đầu tiên của cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư, với hy vọng động thái này có thể làm dịu căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hiện tại, giới đầu tư cảm thấy tín hiệu tích cực cho thấy kịch bản thương mại tồi tệ nhất có thể không xảy ra. Các dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được xem là lý do giúp thị trường cổ phiếu phục hồi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn hoài nghi về khả năng đạt được đột phá lớn trong cuộc đàm phán ở Geneva.

Ông Scott Kennedy, chuyên gia về hoạt động kinh doanh với Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định: "Rất khó để cuộc họp ngày 10/5 mang lại bất kỳ kết quả đột phá nào, ngoài việc xác định liệu hai bên có thể thiết lập một quy trình đàm phán và các nội dung nghị sự sẽ là gì".

Bà Lynn Song, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc Đại lục tại ngân hàng ING, dự đoán: “Thuế quan đối với hàng hóa Mỹ có khả năng được Nhà Trắng giảm về khoảng 60%, phù hợp với cam kết trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ của ông Trump”. Bà cho rằng, mức thuế này vẫn đủ cao để cản trở nhiều sản phẩm có thể thay thế, nhưng cũng cho phép nhập khẩu những sản phẩm không có lựa chọn thay thế với ít áp lực hơn.

Thời gian qua, Mỹ đã áp đặt mức thuế cao tới 145% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc đã trả đũa bằng mức thuế 125% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ. Các động thái này đã làm rung chuyển thị trường và đe dọa đẩy giá thiết bị sản xuất cũng như hàng hóa tiêu dùng lên cao

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước