Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc

Kate Trần-Thứ năm, ngày 15/05/2025 08:48 GMT+7

bangdatally.xyz - Nông sản Việt đang đứng trước nhiều cơ hội để vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Tuy nhiên, thị trường tỷ dân đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Rộng cửa xuất khẩu chính ngạch

Trung Quốc từ lâu đã là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Đến nay, nông sản Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng của thị trường Trung Quốc, với những sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, thủy sản, rau củ quả và trái cây…

Theo số liệu mới nhất từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,1 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nhu cầu tiêu thụ nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ, đặc biệt là đối với các mặt hàng như trái cây, thủy sản và gạo.

Theo các chuyên gia kinh tế, với dân số hơn 1,4 tỷ người và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm khổng lồ, Trung Quốc tiếp tục là thị trường chiến lược của ngành nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, theo chuyên gia về thương mại - nông nghiệp Nguyễn Minh Huân, trong bối cảnh thị trường Trung Quốc ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng nông sản, việc xuất khẩu chính ngạch trở thành con đường chiến lược quan trọng đối với nông sản Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để tạo dựng uy tín cho thương hiệu nông sản Việt Nam và nâng cao giá trị sản phẩm khi mà các mặt hàng nông sản khi xuất khẩu chính ngạch đều phải trải qua quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, từ khâu sản xuất đến khi đưa vào thị trường tiêu thụ.

Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã tập trung cao độ để đẩy mạnh việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin vừa ký các nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch mặt hàng ớt, chanh leo, tổ yến và cám gạo sang Trung Quốc. Trước đó, năm 2024 nước ta đã chính thức xuất khẩu chính ngạch ba mặt hàng là sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu nuôi.

Là một người kinh doanh đã gắn bó lâu năm với trái dừa Bến Tre, bà Huỳnh Thị An - Phó Giám đốc Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Minh An cho biết: "Trong hơn chục năm qua, công ty chuyên cung cấp các sản phẩm chế biến từ dừa, chủ yếu là thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Đặc biệt, việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho dừa tươi Việt Nam vào năm 2024 là một cơ hội vàng để trái dừa Việt chiếm lĩnh thị trường tỷ dân. Do đó, chiến lược mà công ty đang hướng đến là xây dựng sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và thương hiệu tốt để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc".

Bên cạnh đó, bà An cũng cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và bao bì, nhãn mác rõ ràng và hiện đại, với đầy đủ thông tin về nguồn gốc, chất lượng và hướng dẫn sử dụng - Một yếu tố quan trọng không thể thiếu khi xuất khẩu nông sản chính ngạch vào Trung Quốc. Ngoài ra, còn có thêm thông tin rõ ràng bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, cùng với mã vạch và QR code để người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Văn Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư dừa Bến Tre cho hay, Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng vì mỗi năm sử dụng tới 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa phục vụ chế biến. Với lợi thế về khoảng cách địa lý, thời gian vận chuyển ngắn với chi phí thấp nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác.

Vượt qua thách thức

Theo ông Nguyễn Minh Huân, mặc dù xuất khẩu chính ngạch mở ra nhiều cơ hội, nhưng việc đối mặt với các yêu cầu khắt khe từ phía Trung Quốc cũng đặt ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp Việt. Bởi lẽ Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ rất lớn, nhưng cũng đòi hỏi các sản phẩm nông sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm và chứng nhận xuất xứ. Việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn này có thể dẫn đến tình trạng tạm dừng nhập khẩu hoặc bị từ chối hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và uy tín của sản phẩm.

Đó là còn chưa kể đến, tại thị trường tỷ dân này, nông sản Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia hay Philippines - những đối thủ nặng ký đã có kinh nghiệm lâu dài trong việc xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Các đối thủ này không chỉ có chất lượng sản phẩm tốt mà còn có mạng lưới phân phối rộng khắp và thương hiệu mạnh mẽ tại thị trường này.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà An cho hay: "Để đáp ứng được điều kiện xuất khẩu trái dừa tươi, chúng tôi đã hợp tác với các tổ chức kiểm định và chứng nhận quốc tế để kiểm tra sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã đăng ký mã số vùng trồng dừa với các cơ quan chức năng giúp đảm bảo sản phẩm dừa có nguồn gốc rõ ràng, sạch và an toàn. Đặc biệt, hiện công ty tìm kiếm, phối hợp với các đối tác logistics để vận chuyển dừa một cách an toàn và đúng tiến độ sang Trung Quốc và đang thực hiện kế hoạch mở các kênh phân phối tại các thị trường có nhu cầu cao như thành phố lớn, các chuỗi siêu thị…"

Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc - Ảnh 2.

Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, bao gồm nước dừa, dầu dừa và các chế phẩm khác năm 2024 đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023.

Có thể thấy, chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là một bước đi chiến lược quan trọng, không chỉ giúp nông sản Việt Nam vươn xa trên thị trường Trung Quốc mà còn mở rộng cơ hội xuất khẩu ra thế giới. Theo ông Huân, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và các giải pháp đồng bộ, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội khẳng định mình và tạo dựng được vị thế vững chắc hơn nữa tại thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Để hỗ trợ doanh nghiệp nông sản đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cần có một chiến lược đồng bộ từ cả phía Chính phủ, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là quy trình cấp mã số vùng trồng, giấy phép xuất khẩu và kiểm dịch thực vật, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình xuất khẩu. Các cơ quan chức năng cần xây dựng các kênh giao tiếp nhanh chóng giữa chính phủ và doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình xuất khẩu, từ các yêu cầu kiểm dịch cho đến các tranh chấp thương mại.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp nông sản trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm. Các công nghệ như nông nghiệp thông minh, công nghệ sau thu hoạch và chế biến thực phẩm cần được đầu tư mạnh mẽ. Các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ trong việc đạt được các chứng nhận quốc tế như ISO, GlobalGAP, HACCP, giúp tăng uy tín và độ tin cậy của sản phẩm trong mắt đối tác Trung Quốc.

Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Chính phủ, bộ ngành cần tổ chức các chương trình đào tạo về an toàn thực phẩm cho các nông dân và doanh nghiệp, giúp đảm bảo sản phẩm không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn của Trung Quốc mà còn của các thị trường quốc tế khác.

Song song với đó, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và hợp tác với các đối tác phân phối uy tín tại Trung Quốc như các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm…; Cung cấp cho doanh nghiệp các báo cáo về xu hướng tiêu dùng tại Trung Quốc, giúp họ hiểu rõ hơn về nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc, từ đó điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp.

Đối với doanh nghiệp, để thành công họ cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường; chủ động nắm bắt thông tin về các quy định mới của thị trường Trung Quốc, cải thiện quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm…/.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước