Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết ông sẽ tìm kiếm cơ hội khác để nói chuyện với Scott Bessent vào tuần tới nhằm thảo luận các vấn đề tiền tệ, tiếp nối cuộc đối thoại của họ vào tháng trước.
"Chúng tôi xác nhận rằng tỷ giá tiền tệ nên được xác định bởi thị trường và sự biến động quá mức có thể gây hại cho nền kinh tế và sự ổn định tài chính. Tôi đang tìm kiếm cơ hội để nói chuyện với Bessent lần nữa vào tuần tới để thảo luận những điểm này, nếu hoàn cảnh cho phép", ông Kato cho hay.
Ông Kato dự kiến sẽ tham dự cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Nhóm G7 tại Canada vào tuần tới, nơi ông dự định tổ chức các cuộc thảo luận sâu hơn với Bessent.
Những nhận xét của ông Kato được đưa ra sau một báo cáo rằng Mỹ và Hàn Quốc đã thảo luận các vấn đề tiền tệ trong các cuộc đàm phán thương mại hồi đầu tháng này. Thông tin về diễn biến đó đã thúc đẩy mức tăng hơn 1% ở một số đồng tiền châu Á, bao gồm đồng Won và đồng Yên.
Theo báo cáo, Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Ji-young và Robert Kaproth, người hiện đang đảm nhiệm chức vụ trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách tài chính quốc tế đã thảo luận chính sách ngoại hối trong cuộc họp ngày 5/5 tại Milan và dự định tiếp tục đối thoại đó. Các nhà đầu tư diễn giải các cuộc đàm phán này là bằng chứng thêm cho thấy chính quyền ông Trump ủng hộ đồng USD yếu hơn và các chính phủ nước ngoài có thể chấp nhận các đồng tiền mạnh hơn để tạo điều kiện cho các thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Chính sách tiền tệ vẫn là một trọng tâm đối với thị trường trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra của Mỹ. Một chuyên gia về lĩnh vực này cho biết, các quan chức Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu không theo đuổi các cam kết tiền tệ trong các thỏa thuận.
Ông Kato từ chối bình luận về các cuộc thảo luận giữa Washington và Seoul, chỉ nói rằng phản ứng của thị trường phản ánh cách diễn giải riêng của nó về tin tức.
Trưởng đoàn đàm phán của Nhật Bản Ryosei Akazawa dự kiến sẽ trở lại Mỹ để tham gia vòng đàm phán thương mại thứ ba vào cuối tháng này, sau khi cuộc họp G7 kết thúc.
Đồng yên đang có xu hướng tăng giá
Trước đó, vòng đàm phán thương mại thứ hai của Mỹ và Nhật Bản đã diễn ra vào ngày 24/4 ở Washington giữa hai bộ trưởng tài chính của hai nước. Hai bên đã thảo luận về chính sách tỷ giá, như một phần trong nỗ lực nhằm đạt tới quan điểm chung liên quan tới thuế quan của Tổng thống Donald Trump, nhưng chưa có thỏa thuận nào được đưa ra sau cuộc gặp. Bộ trưởng Kato cho biết cả hai bên đều đồng ý rằng tỷ giá hối đoái nên do các lực lượng thị trường quyết định và rằng các diễn biến tiền tệ bất ổn có thể gây hại cho nền kinh tế. Đồng thời cho hay, ông Bessent không đề cập đến mức tỷ giá hay mục tiêu tỷ giá cụ thể nào giữa đồng yên Nhật và đồng USD.
Có thể thấy, trong số các đối tác thương mại lớn, chính quyền ông Trump đã ưu tiên đàm phán thuế quan với Nhật Bản, một đồng minh an ninh quan trọng của Mỹ. Là một nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, Nhật Bản bị ông Trump áp thuế đối ứng 24%, bên cạnh mức thuế 25% đối với mặt hàng ô tô, nhôm và thép. Trong vòng đàm phán đầu tiên, khi Bộ trưởng Bộ Phục hồi kinh tế Nhật Bản Akazawa Kyosei dẫn đầu phái đoàn tới Washington, hai nước không đề cập đến các vấn đề tỷ giá tiền tệ và thay vào đó, nhất trí để vấn đề này lại cho cuộc gặp giữa hai bộ trưởng tài chính.
Chính quyền ông Trump đặc biệt quan tâm tới những gì mà giới chức Mỹ xem là rào cản phi thuế quan của Nhật Bản. Ngoài ra, ông Trump cũng từng cáo buộc Tokyo phá giá đồng yên để tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản. Phía Tokyo đã bác bỏ cáo cuộc này của ông Trump và giữ vững quan điểm rằng tỷ giá hối đoái nên diễn biến ổn định dựa trên các yếu tố cơ bản của nền kinh tế.
Trên thực tế, đồng yên liên tục mất giá mạnh trong những năm gần đây đã khiến giới chức Nhật lo ngại. Nhật Bản đã có một số đợt can thiệp vào thị trường tiền tệ, bằng cách bán USD và mua vào đồng yên, để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ.
Hiện đồng yên đang có xu hướng tăng giá giữa bối cảnh thị trường đang nghiêng về khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Động lực chính thúc đẩy đà tăng của đồng yên đến từ phát biểu của Phó Thống đốc BoJ – ông Shinichi Uchida. Ông khẳng định BoJ sẵn sàng tiếp tục nâng lãi suất nếu tăng trưởng và lạm phát diễn biến đúng kỳ vọng. Trong bối cảnh lạm phát tại Nhật đang ổn định quanh mức mục tiêu, thị trường đánh giá khả năng BoJ sẽ dần rút khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng kéo dài suốt thập kỷ qua.
Trong khi đó, tại Mỹ, dữ liệu lạm phát tiêu dùng tháng 4 cho thấy xu hướng hạ nhiệt. Cụ thể, CPI toàn phần giảm còn 2,3% so với cùng kỳ năm trước (so với mức 2,4% của tháng 3), còn CPI lõi giữ ở mức 2,8% – phù hợp kỳ vọng. Điều này củng cố kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ nửa cuối năm 2025. Hiện thị trường đang định giá khoảng 56 điểm cơ bản cắt giảm trong năm nay.
Sự chênh lệch trong định hướng chính sách tiền tệ giữa BoJ và Fed đang tạo lợi thế rõ rệt cho đồng yên. Trong khi Fed chuẩn bị "xoay trục", BoJ lại đang tiến gần hơn đến bình thường hóa chính sách. Đây chính là yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng của đồng yên trong ngắn và trung hạn./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!