Nhà đầu tư thận trọng dù đàm phán Mỹ - Trung Quốc làm dịu cuộc chiến thương mại có rủi ro cao

Kate Trần-Thứ hai, ngày 12/05/2025 06:56 GMT+7

Mỹ - Trung kết thúc ngày đàm phán đầu tiên tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm mục đích xoa dịu cuộc chiến thương mại đe dọa làm tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu.

bangdatally.xyz - Cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ làm dịu cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, có ít nhà đầu tư mong đợi một bước đột phá lớn.

Các nhà đầu tư hy vọng rằng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ làm dịu cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và xua tan một số bất ổn đang bao trùm thị trường tài chính.

Cuộc họp rất được mong đợi tại Thụy Sĩ có thể đánh dấu một trong những diễn biến lớn nhất kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng mức thuế quan toàn diện vào ngày 2/4, khiến bối cảnh thương mại toàn cầu rơi vào hỗn loạn và gây ra sự biến động cực độ trên thị trường.

"Đây là cuộc đàm phán quan trọng nhất. Có hàng trăm tỷ USD thương mại đang bị đe dọa, mức thuế 145% đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc tương đương với một dạng lệnh cấm vận thực tế và những bất bình vượt xa phạm vi thương mại", Alejo Czerwonko, giám đốc đầu tư của Emerging Markets Americas tại UBS cho biết.

Hiện chính quyền của ông Trump đang tìm cách giảm thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 295 tỷ USD với Trung Quốc và thuyết phục nước này từ bỏ mô hình kinh tế mà Mỹ cho là trọng thương và đóng góp nhiều hơn vào tiêu dùng toàn cầu, một sự thay đổi đòi hỏi phải có các cải cách mạnh mẽ trong nước.

Tổng thống Donald Trump phát biểu vào cuối ngày 10/5 rằng hai nước đã đàm phán "một cuộc thiết lập lại hoàn toàn ... theo cách thân thiện nhưng mang tính xây dựng".

Gần đây, các nhà đầu tư bày tỏ sự lạc quan rằng kịch bản thương mại tồi tệ nhất sẽ không xảy ra và chỉ ra những dấu hiệu hạ nhiệt giữa Mỹ và Trung Quốc là lý do khiến cổ phiếu phục hồi. Nhưng bất chấp những bình luận của ông Trump trước các cuộc đàm phán về việc áp mức thuế quan thấp hơn đối với Trung Quốc và một thỏa thuận thương mại được công bố vào ngày 9/5 giữa Mỹ và Anh , nhiều người tham gia thị trường cho biết họ không mong đợi sẽ có đột phá lớn vào cuối tuần này.

Thierry Wizman, chiến lược gia tỷ giá và ngoại hối toàn cầu tại Macquarie cho biết trong một lưu ý gửi đến khách hàng: "Chúng tôi vẫn nghi ngờ rằng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đến một 'sự thỏa hiệp lớn'".

Cả Mỹ và Trung Quốc đều có thể muốn, hoặc thậm chí cần, đạt được thỏa thuận, Liqian Ren, giám đốc Modern Alpha tại WisdomTree Asset Management cho biết. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu này, dường như có rất ít động lực để thực hiện điều đó một cách nhanh chóng, mỗi bên vẫn muốn xem cách đối phương ứng phó với những bất lợi như thế nào...Hiện tại, thị trường có lẽ hơi lạc quan một chút về những gì Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được và tốc độ diễn biến của các sự kiện", bà Ren nói.

Căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia đã leo thang vào tháng trước, khi Mỹ tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 145%, và sau đó Trung Quốc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ lên 125%.

Vào hôm 9/5, bình luận của ông Trump rằng mức thuế 80% đối với hàng hóa Trung Quốc "có vẻ đúng" - đưa ra gợi ý đầu tiên của ông về một giải pháp thay thế cụ thể cho mức thuế 145% - đã tạo ra một số hy vọng về tiến triển trong việc giải quyết tranh chấp.

Chỉ số chứng khoán chuẩn S&P 500 đã xóa bỏ những khoản lỗ lớn xảy ra ngay sau thông báo áp thuế vào ngày 2/4, mặc dù các doanh nghiệp vẫn tiếp tục cảnh báo các nhà đầu tư về tác động của chúng và sự bất ổn mà chúng tạo ra trong các bình luận liên quan đến thu nhập.

Chỉ số S&P 500 vẫn giảm khoảng 8% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2 và giảm khoảng 4% trong năm.

Trong bối cảnh hỗn loạn về thuế quan, các cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng yếu kém và các "dữ liệu mềm" khác đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng của Mỹ, mặc dù hầu hết dữ liệu kinh tế đều chỉ ra khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh

Trong khi đó, tính biến động của thị trường vẫn còn. Chỉ số biến động Cboe, thước đo mức độ lo lắng của nhà đầu tư dựa trên quyền chọn, dao động quanh mức 22 vào cuối ngày 9/5 - thấp hơn nhiều so với mức cao đóng cửa gần đây là 52,33 vào đầu tháng 4, nhưng cao hơn mức trung bình dài hạn là 17,6.

Bà Ren của WisdomTree cho biết, một trong những yếu tố hạn chế sự biến động đó cho đến nay là chi phí cao khi thiết lập các vị thế bán khống khi đặt cược vào sự suy giảm của thị trường trong tương lai. "Khi một bài đăng trên mạng xã hội của tổng thống có thể khiến thị trường biến động 10%, thì việc thiết lập các vị thế đó sẽ rất tốn kém", bà Ren cho biết thêm. Cổ phiếu tăng vọt vào ngày 9/4 sau khi ông Trump tạm dừng nhiều mức thuế quan nặng nề nhất trong 90 ngày.

Tuy nhiên, Matt Gertken, giám đốc chiến lược địa chính trị tại BCA, một công ty nghiên cứu đầu tư kinh tế vĩ mô cho biết, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh hơn nữa.

Andrew Mattock, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Matthews Asia cho biết, bất kỳ dấu hiệu tiến triển nào trong các cuộc thảo luận ban đầu đều được hoan nghênh và cho phép Trung Quốc dành nhiều năng lượng hơn cho các vấn đề kinh tế trong nước.

Bất chấp thỏa thuận với Anh được ký kết tương đối nhanh chóng, Claudio Irigoyen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại BofA Securities cảnh báo rằng, các thỏa thuận khác của Mỹ sẽ khó đạt được hơn, trong đó Trung Quốc là thỏa thuận khó khăn nhất.

"Tôi có thể thấy các thỏa thuận thương mại sắp tới với Ấn Độ, Nhật Bản và có thể là Hàn Quốc", ông nhấn mạnh và cho biết thêm, "Trung Quốc - đây là quốc gia phức tạp nhất và sẽ là quốc gia cuối cùng", một phần vì mối quan hệ địa chính trị bị vướng vào các mối quan hệ thương mại../.

Ông Trump đăng trên nền tảng Truth Social của mình sau khi cuộc gặp gỡ dầu tiên giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc hôm 10/5 kết thúc: “Một cuộc họp rất tốt đẹp hôm nay với Trung Quốc, tại Thụy Sĩ. Nhiều điều đã được thảo luận, nhiều điều đã được nhất trí...Chúng tôi muốn thấy, vì lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ, một sự mở cửa của Trung Quốc đối với doanh nghiệp Mỹ". Được biết, cuộc họp kết thúc khi cả hai bên đều không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào sau đó về nội dung các cuộc thảo luận, cũng như không đưa ra tín hiệu tiến triển cụ thể nào hướng tới việc giảm thuế quan khắc nghiệt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước