Hải quan Mỹ cảnh báo tình trạng chuyển tải hàng hóa qua Việt Nam để né thuế
Vào đầu tháng 4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế đối ứng cao hơn 10% với hàng chục quốc gia, trong đó Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46% - một trong những mức cao nhất.
Đáng chú ý, nhiều chuyên gia nhận định, bối cảnh áp thuế quan mới còn khiến nguy cơ các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển để né thuế gia tăng đáng kể.
Theo chuyên gia thị trường Trần Mạnh Hùng, trên thực tế, tình trạng chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp đã xảy ra nhiều năm qua. Lợi dụng những ưu đãi thuế quan dành cho hàng Việt theo cam kết trong FTA, một số doanh nghiệp từ các nước không được hưởng ưu đãi thuế quan đã lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa sang các nước mà hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan...
Nhiều vụ việc mượn đường và hàng hoá nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA đã được phanh phui. Ví dụ như thủ đoạn của một số đối tượng người Trung Quốc thành lập các doanh nghiệp ở Trung Quốc, ở Việt Nam và ở Mỹ để thực hiện việc xuất khẩu sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm mục đích thay đổi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Bên cạnh đó, thông qua các công đoạn sản xuất đơn giản chưa đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã số HS hoặc tiêu chí tỉ lệ phần trăm giá trị nhưng vẫn khai báo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế quan.
Mới đây, tại buổi làm việc với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP), đại diện Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết việc chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo nhãn hiệu của hàng hóa Việt Nam sẽ khiến cho lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tăng đột biến, trong khi hàng hóa thực sự của Việt Nam thì không tăng. Điều này sẽ gia tăng nguy cơ hàng hóa của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế bán phá giá, thuế tự vệ, thuế đối kháng, mất uy tín trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng chung đến hoạt động xuất khẩu.
Cơ quan Hải quan đã phát hiện và bắt giữ nhiều lô hàng mà hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam", "sản xuất tại Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam"…hoặc trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, website, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đã lật tẩy thủ đoạn của một số doanh nghiệp khi các đối tượng thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.
Ngăn chặn chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp để bảo vệ thương hiệu Việt
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng Việt Nam đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, bảo vệ uy tín thương hiệu "Made in Vietnam" và duy trì sự ổn định trong quan hệ thương mại với Mỹ.
Hải quan Việt Nam đã tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ cung cấp thông tin và phối hợp kiểm tra xác minh các nghi vấn của Hải quan Hoa Kỳ liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế với tổng số khoảng hơn 35 vụ việc từ năm 2019 đến nay. Đồng thời đã thông báo cho phía Mỹ kết quả điều tra và xử lý các vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ, làm giả nhãn mác hàng hóa để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ từ năm 2020 -2024.
Tại buổi làm việc giữa Hải quan Việt Nam và CBP, hai bên đã tập trung trao đổi vấn đề ngăn chặn chuyển tải bất hợp pháp và tăng cường hợp tác giữa Hải quan Việt Nam và CBP trong khuôn khổ một số chương trình hợp tác về trao đổi dữ liệu điện tử và sáng kiến an ninh container.
Đại diện Cục Hải quan Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ, Bộ Tài chính là kiên quyết ngăn chặn các hoạt động và hành vi lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước nhằm lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đồng thời nhấn mạnh, Cơ quan Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn không để hàng hóa của nước thứ ba qua Việt Nam lẩn tránh thuế nhập khẩu của Mỹ. Cụ thể như: Triển khai các kế hoạch, chuyên đề kiểm soát rủi ro theo từng ngành hàng, tăng cường thanh tra, kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa; Thu thập, phân tích thông tin trong nước và ngoài nước để xác định trọng điểm nhóm mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao; Rà soát các doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bất thường so với năng lực, quy mô sản xuất thực tế để phối hợp kiểm tra.
Nhằm ngăn chặn hoạt động chuyển tải bất hợp pháp, Chính phủ đã có định hướng ban hành kế hoạch tổng thể về sàng lọc và kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án tiềm ẩn rủi ro về hoạt động chuyển tải bất hợp pháp, đầu tư nhà máy tại Việt Nam nhưng chỉ thực hiện các hoạt động gia công lắp ráp đơn giản, giá trị gia tăng thấp, không đáp ứng các tiêu chí xuất xứ để được công nhận là sản xuất tại Việt Nam.
Đối với ngành Hải quan, với quyết tâm không để Việt Nam trở thành nơi trung chuyển, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp để lẩn tránh thuế quan trong bối cảnh chiến tranh thuế quan thương mại đang diễn ra, lực lượng hải quan đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp như tăng cường kiểm tra, thắt chặt kiểm soát nhằm ngăn chặn không để hàng hóa của nước thứ ba qua Việt Nam lẩn tránh thuế nhập khẩu của Mỹ; Siết chặt kiểm tra doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước thứ ba để gia công, chế biến, sản xuất và xuất sang Mỹ.
Lực lượng hải quan đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp như tăng cường kiểm tra, thắt chặt kiểm soát nhằm ngăn chặn không để hàng hóa của nước thứ ba qua Việt Nam lẩn tránh thuế nhập khẩu của Mỹ
Ngày 13/5 vừa qua, Cục Hải quan đã tổ chức Chương trình Tập huấn Kiểm tra, giám sát và kiểm soát chống chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh...Trước mắt, lực lượng hải quan sẽ tập trung vào địa bàn trọng điểm xuất khẩu, như: Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ…; nhập khẩu từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc...với tốc độ kim ngạch tăng trưởng cao, đột biến; Tập trung vào đối tượng trọng điểm là những doanh nghiệp có tần suất xuất khẩu nhiều, thời gian xuất khẩu giữa các lô hàng ngắn, không phù hợp với quy trình, năng lực sản xuất, thời gian để sản xuất hoàn thành ra sản phẩm; doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và xuất khẩu hàng hóa tương tự; Với các mặt hàng trọng điểm, như nhóm mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ; nhóm thiết bị thể thao, thiết bị nội thất; nhóm mặt hàng thép; Nhóm mặt hàng điện tử; nhóm mặt hàng xe đạp, xe đạp điện và linh kiện; nhóm máy móc, thiết bị…
Kể từ tháng 4/2025, việc Mỹ áp mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đã đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế nước ta nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng. Mức thuế mới đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta như dệt may, thủy sản, thép và nhôm...Theo các chuyên gia kinh tế, hơn bao giờ hết, đây là thời điểm Việt Nam cần trấn áp mạnh hơn nữa tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, bị lợi dụng thành điểm trung chuyển hàng xuất khẩu giả sang nước thứ ba nhằm né thuế để giúp hàng Việt xuất khẩu đứng vững trước biến động thuế quan cũng như tránh các đòn phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nội địa cần nắm bắt các rủi ro thuế quan để phát triển khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng của mình; cần lên tiếng và cung cấp thông tin liên quan giả mạo nhãn hiệu cho cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng khác liên quan nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình; không bao che, tiếp tay làm dịch vụ giao nhận trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có dấu hiệu giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp...
"Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ nhằm đảm bảo quy trình xuất nhập khẩu minh bạch, hợp pháp. Các hiệp hội ngành hàng như dệt may, thủy sản, gỗ cũng cần tăng cường phổ biến thông tin về các quy định mới của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động chuẩn bị, tránh bị lợi dụng làm trung chuyển hàng hóa lẩn tránh thuế", ông Hùng nhấn mạnh./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!