Ảnh minh họa.
Điều này đánh dấu một bước hạ nhiệt tạm thời trong cuộc chiến thương mại căng thẳng đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu và chuỗi cung ứng quốc tế.
Bắt đầu từ trưa ngày 14/5, mức thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã giảm xuống 30%, trong khi mức thuế của Trung Quốc với hàng hóa Mỹ xuống 10%. Việc giảm thuế này có hiệu lực trong 90 ngày.
Mỹ cũng giảm thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị thấp từ Trung Quốc, vốn ảnh hưởng đến các nền tảng thương mại điện tử như Shein và Temu. Theo lệnh của ông Trump, các bưu kiện nhỏ như vậy sẽ bị đánh thuế 54% giá trị - giảm từ mức 120% - hoặc phải chịu khoản thanh toán 100 USD.
Cùng ngày, Trung Quốc cũng cho biết sẽ tạm dừng một số biện pháp đáp trả phi thuế quan nhất định đối với Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã tạm dừng một số biện pháp phi thuế quan đối với 17 thực thể Mỹ bị Trung Quốc đưa vào danh sách thực thể không đáng tin cậy hồi tháng Tư và 28 thực thể Mỹ trong danh sách kiểm soát xuất khẩu.
Trong 17 thực thể Mỹ bị Trung Quốc đưa vào danh sách thực thể không đáng tin cậy nói trên, 11 thực thể được đưa vào danh sách vào ngày 4/4 sẽ được tạm dừng các biện pháp đáp trả trong 90 ngày, kể từ ngày 14/5. Nhưng Trung Quốc không nêu rõ thời gian tạm dừng đối với 6 thực thể còn lại được đưa vào danh sách vào ngày 9/4.
Tuy nhiên, những nguồn gốc gây căng thẳng thương mại sâu sắc giữa hai nước vẫn còn, khi mức thuế hiện tại của Mỹ vẫn cao hơn so với Trung Quốc, vì nó bao gồm mức thuế 20% xuất phát từ các ý kiến của ông Trump về việc Trung Quốc xuất khẩu hóa chất được sử dụng để sản xuất fentanyl.
Vì thế, các nhà phân tích cảnh báo rằng thuế quan vẫn có khả năng được áp dụng trở lại sau 90 ngày. Bà Yue Su, nhà kinh tế trưởng tại The Economist Intelligence Unit, nhận định hai nước rất khó giảm thuế quan hơn nữa nguy cơ leo thang trở lại vẫn tồn tại.
Trong bối cảnh trên, Trung Quốc đã bổ sung 75 tuyến vận tải hàng hóa bằng đường hàng không quốc tế trong 4 tháng đầu năm 2025, với gần 90% các tuyến mới kết nối với các điểm đến ở châu Á và châu Âu. Sự gia tăng này phản ánh những nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng mạng lưới thương mại toàn cầu, bất chấp việc Mỹ tăng thuế.
Các tuyến mới trên chủ yếu tập trung ở châu Á và châu Âu, với 35 tuyến đến châu Á, 31 tuyến kết nối châu Âu, trong khi chỉ có 6 tuyến đến Bắc Mỹ, 2 tuyến đến Nam Mỹ và 1 tuyến đến châu Phi. Hàng hóa chủ yếu bao gồm hàng thương mại điện tử xuyên biên giới, sản phẩm tươi sống, đồ điện tử và phụ tùng ô tô.
Kinh tế Trung Quốc đã khởi đầu năm 2025 với tín hiệu tích cực khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2025 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo 5,1% của giới phân tích. Điều này cho thấy đà phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tiếp diễn, bất chấp những lo ngại gia tăng liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và nhu cầu tiêu dùng trong nước còn yếu.
Đà tăng trưởng quý I/2025 của kinh tế Trung Quốc được hỗ trợ bởi loạt chính sách kích thích mạnh mẽ từ cuối năm 2024. Sản xuất công nghiệp tháng 3/2025 tăng tới 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán lẻ - thước đo quan trọng của tiêu dùng nội địa - cũng ghi nhận mức tăng 5,9%, vượt xa dự báo 4,2%. Đầu tư tài sản cố định quý I/2025 tăng 4,2%, trong đó đầu tư hạ tầng và sản xuất chế tạo khởi sắc, phần nào bù đắp cho sự suy giảm kéo dài của lĩnh vực bất động sản - vốn giảm gần 10% tính đến tháng 3/2025.
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức 2,4% của tháng 3/2025. Chỉ số CPI tháng 4/2025 là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và thấp hơn dự báo của giới phân tích. Nếu loại trừ chi phí lương thực - thực phẩm và năng lượng, lạm phát cơ bản trong tháng 4/2025 tăng 0,2% so với tháng trước đó và tăng 2,8% trong 12 tháng qua.
Chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty dịch vụ tài chính và bảo hiểm Nationwide (Mỹ), ông Ben Ayers nhận định CPI nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong mùa Hè này. Còn theo chuyên gia Gregory Daco của kiểm toán Ernst & Young, áp lực giá cả sẽ tiếp tục trong thời gian tới, dù có thể nhẹ hơn sau khi Mỹ và Trung Quốc gần đây đạt được thỏa thuận giúp giảm căng thẳng thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!