Số liệu thống kê của Viện Kinh tế Đức (IW) có trụ sở tại Koln cho biết xung đột thương mại đang diễn ra với Mỹ liên quan đến chính sách thuế quan của Washington cùng những tác động bất ổn của tình hình kinh tế toàn cầu và chi phí hoạt động cao ở Đức là những nguyên nhân dẫn đến suy thoái.
Chính sách thuế của Mỹ với châu Âu có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Đức, làm chậm quá trình phục hồi và đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử rơi vào suy thoái năm thứ 3 liên tiếp.
Đức - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đã ghi nhận mức thặng dư kỷ lục 70 tỷ euro (78,2 tỷ USD) với nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2024. Với đặc điểm phụ thuộc vào xuất khẩu, Đức có nguy cơ trở thành quốc gia châu Âu chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô ở Sindelfingen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông Marc Schattenberg, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Deutsche Bank Research, nhận định: "Những rủi ro kinh tế trong năm 2025 đang ngày càng rõ nét, báo hiệu khả năng suy thoái năm thứ 3 liên tiếp".
Chuyên gia Lisandra Flach từ Viện nghiên cứu kinh tế (Ifo) cũng cho rằng thương mại của Đức sẽ chịu tác động theo 3 hướng: xuất khẩu sang Mỹ giảm, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm và cạnh tranh gia tăng do các nước tìm thị trường thay thế Mỹ.
Giám đốc toàn cầu về kinh tế vĩ mô của ING, ông Carsten Brzeski, nhận xét: "Đức đang đối mặt với một thực tế khắc nghiệt - thế giới đã thay đổi". Theo ông, Đức là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) không tăng trưởng trong 2 năm qua và việc phục hồi đã trở thành tâm điểm trong chiến dịch bầu cử vừa qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!