Phó giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath cho biết, thâm hụt tài chính của Hoa Kỳ quá lớn và nước này cần giải quyết gánh nặng nợ ngày càng tăng của mình, theo một cuộc phỏng vấn được tờ Financial Times công bố hôm 21/5.
Gopinath nói với Financial Times rằng, Hoa Kỳ vẫn bị ảnh hưởng bởi "mức độ bất ổn rất cao" về chính sách thương mại mặc dù có những diễn biến tích cực như chính quyền Tổng thống Donald Trump bãi bỏ thuế quan đối với Trung Quốc và đạt được thỏa thuận kinh tế Mỹ - Anh.
Tỷ lệ thâm hụt ngân sách hàng năm so với GDP của Chính phủ Hoa Kỳ - Nguồn: CBO/CNBC.
Vào tháng 4, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ cùng với hầu hết các quốc gia khác do tác động của thuế quan Hoa Kỳ, đồng thời cảnh báo rằng căng thẳng thương mại tiếp tục sẽ làm chậm tăng trưởng hơn nữa.
Bên cạnh đó, Gopinath cũng nhấn mạnh: "Việc có mức thuế quan trung bình thấp hơn mức mà chúng tôi đã giả định vào tháng 4 là một điều hoàn toàn tích cực...nhưng vẫn còn mức độ không chắc chắn rất cao và chúng tôi phải xem mức thuế mới sẽ như thế nào".
Những bình luận này được đưa ra khi ông Trump đề xuất gia hạn các biện pháp cắt giảm thuế được thông qua trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2017 và bổ sung thêm các khoản giảm thuế mới.
Hồi cuối tháng 3, Moody’s đã từng cảnh báo về nợ nần, thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ.
Trong một báo cáo, Moody’s nói “sức khỏe tài khóa của nước Hoa Kỳ tiếp tục ở trong đà suy giảm đã kéo dài nhiều năm” và “đã xấu đi thêm” so với thời điểm tổ chức này đưa ra triển vọng tiêu cực đối với định hạng tín nhiệm của Chính phủ Hoa Kỳ vào tháng 11/2023. Moody’s hiện dành cho Hoa Kỳ định hạng tín nhiệm cao nhất Aaa, nhưng kèm triển vọng tiêu cực, đồng nghĩa khả năng bị hạ điểm.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích của Moody’s nói thêm rằng “chính sách đang biến động của chính phủ Hoa Kỳ về thương mại, nhập cư, thuế, chi tiêu liên bang và quy chế giám sát có thể định hình lại một số bộ phận của nền kinh tế Hoa Kỳ và kinh tế toàn cầu với những hệ quả to lớn trong dài hạn”.
Tuần trước, Moody's cũng hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Hoa Kỳ do lo ngại về khoản nợ ngày càng tăng của quốc gia này, lên tới 36 nghìn tỷ USD.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm này trích dẫn thất bại của các chính quyền Hoa Kỳ và Quốc hội trong việc thống nhất các biện pháp đảo ngược xu hướng thâm hụt tài chính hàng năm lớn và chi phí lãi suất ngày càng tăng.
Giới tài chính bất an, đứng ngồi không yên
Thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ làm gia tăng mối lo ngại không chỉ của các nhà hoạch định chính sách ở Washington mà cả giới tài chính Phố Wall. “Hoa Kỳ đang có thâm hụt ngân sách mang tính cơ cấu ở mức cao. Đây là một vấn đề mà sớm hay muộn chúng tôi sẽ phải giải quyết, mà giải quyết được sớm thì tốt hơn nhiều”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại một sự kiện ở Amsterdam, Hà Lan vào tuần vừa rồi.
Thực tế cho thấy, ông Powell vốn thường tránh bình luận về những vấn đề như thế này, nhưng tại sự kiện nói trên, ông khuyến khích khán giả đọc báo cáo gần đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) về tình trạng của nền tài khoá nước này. “Mọi người nên đọc những thông tin được xuất bản về thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ, và sẽ thấy rằng đây là một vấn đề mà giới chức được dân bầu cần phải bắt tay vào giải quyết sớm hay muộn", ông nói.
Mức thâm hụt ngân sách hàng năm của Chính phủ Hoa Kỳ. Đơn vị: nghìn tỷ USD - Nguồn: CBO/CNBC.
CBO dự báo ngân sách liên bang thâm hụt 1,6 nghìn tỷ USD trong tài khoá 2024, và con số thâm hụt trên thực tế trong 7 tháng đầu của năm tài khoá đã lên tới 855 tỷ USD. Cũng theo CBO, đến năm 2034, thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ sẽ tăng lên mức 2,6 nghìn tỷ USD. Nếu xét theo tỷ trọng so với GDP, thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tăng từ 5,6% trong tài khoá hiện tại lên 6,1% chỉ trong vòng 10 năm.
"Từ Đại suy thoái 1930 đến nay, thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ chỉ cao hơn mức đó trong các giai đoạn gồm Đại chiến thế giới II, khủng hoảng tài chính 2007-2009, và đại dịch Covid-19", báo cáo của CBO cho biết. Nói cách khác, mức thâm hụt ngân sách cao như vậy chủ yếu chỉ xuất hiện trong các giai đoạn kinh tế suy thoái sâu, thay vì khi tình trạng kinh tế Hoa Kỳ tương đối mạnh như hiện nay. Sau một đợt suy thoái sâu chớp nhoáng khi Covid mới trở thành đại dịch hồi tháng 3/2020, kinh tế Hoa Kỳ đã phục hồi mạnh mẽ và đến nay vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng tốt. Nếu để so sánh, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải tuân thủ nguyên tắc thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% GDP.
Trong một cuộc trao đổi với trang tin Sky News của Anh vào tuần vừa rồi, CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ JPMorgan Chase đã bàn về ảnh hưởng dài hạn của nợ công Hoa Kỳ. "Hoa Kỳ cần nhận thấy nên chú trọng xử lý thâm hụt ngân sách hơn nữa. Và đó cũng là một vấn đề quan trọng đối với thế giới", ông Dimon nhấn mạnh. và nói thêm, sẽ đến lúc thâm hụt ngân sách và nợ công lớn gây ra vấn đề, vậy thì sao lại phải chờ? Vấn đề sẽ xảy đến trên thị trường, và sau đó giới chức sẽ buộc phải giải quyết, có thể bàng một cách ít dễ chịu hơn nhiều so với việc hành động luôn ngay từ đầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!