Hóa giải áp lực chi phí kinh doanh dịch vụ ăn uống

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 24/05/2025 20:55 GMT+7

bangdatally.xyz - Hiện nay, bài toán đặt ra cho các chủ quán làm sao để cân bằng phương trình giữa hai vế "giữ chân khách hàng" mà vẫn "tối ưu chi phí" để tồn tại và phát triển.

Tại một chuỗi cà phê nổi tiếng cho thấy các ổ điện tại quán đã bị bịt kín lại. Nhiều ý kiến cho rằng, bịt kín lại tránh cho trẻ em chạm vào. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đây là cách để hạn chế việc khách ngồi lâu - một bước đi trong chiến lược tối ưu hoá doanh thu, giữa lúc chi phí vận hành ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống (F&B) ngày càng leo thang.

Điều đó cho thấy bài toán đặt ra cho các chủ quán làm sao để cân bằng phương trình giữa hai vế "giữ chân khách hàng" mà vẫn "tối ưu chi phí" để tồn tại và phát triển.

Quán của bà Dung đã hai năm liên tiếp nằm trong danh sách Bib Gourmant- quán ăn ngon với giá cả phải chăng của Michelin. Vì vậy, để giữ giá mỗi tô phở ở mức phải chăng trong giai đoạn hiện nay, bà Dung phải cân đối từng ngày mua nguyên vật liệu.

Bà Bùi Thị Dung - Chủ quán phở Chào, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Khâu giá cả phải chăng là mình phải cố gắng giữ. Tôi chọn nguyên liệu đầu vào giá vừa phải, nhân viên tận dụng thêm người nhà để giảm chi phí".

Hóa giải áp lực chi phí kinh doanh dịch vụ ăn uống - Ảnh 1.

Gần 1/2 số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống dự kiến sẽ tăng giá trong năm nay nhằm đối phó với áp lực chi phí gia tăng

Chi phí mặt bằng - chiếm đến 30% tổng chi phí vận hành - cũng là gánh nặng không nhỏ. Nhiều chủ quán đã chọn cách chia sẻ không gian, kết hợp hai thương hiệu trên cùng một mặt bằng để giảm phân nửa chi phí thuê.

Anh Nguyễn Huỳnh - Người sáng lập Cà phê Ống, quận 1, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Mình sẽ cố gắng tối ưu hoá chi phí để tiếp cận đại đa số mọi người. Tuy nhiên, bởi vì chi phí vận hành và chi phí dành cho một ly ống tre vốn dĩ cao hơn ly nhựa bình thường, mình đã cố gắng hết sức để có giá phù hợp".

Với các chuỗi cà phê có hệ thống rang xay riêng, việc tiết kiệm năng lượng và tối ưu sản xuất cũng được đặt lên hàng đầu. Tuy vậy, doanh nghiệp cho biết sẽ phải chọn phương án tăng giá một số đồ uống trong menu để bù chi phí.

Ông Đào Thành Phát - Giám đốc điều hành Hala Coffee tâm sự: "Chắc chắn sắp tới sẽ có một đợt điều chỉnh giá nhẹ để phù hợp hơn với thị trường. Nếu đứng một chỗ thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều so với hoạt động, vận hành của chuỗi, thậm chí của xưởng rang".

Ông Nguyễn Thái Dương - Giám đốc Marketing, Công ty CP iPOS.vn cho biết: "Tăng như thế nào để người ta thấy giá trị vẫn không đổi. Có thể tăng giá nhưng phải đưa ra những chương trình khuyến mãi hoặc combo để vẫn có lượng doanh thu lớn nhưng khi người ta đặt doanh số đủ lớn, mình có cơ sở giảm giá trên từng đơn vị".

Khảo sát mới nhất của iPOS cho biết, gần 1/2 số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống dự kiến sẽ tăng giá trong năm nay nhằm đối phó với áp lực chi phí gia tăng. Tuy nhiên tăng giá dù chỉ vài nghìn đồng cũng không phải là quyết định dễ dàng khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước