Sáng 20/5, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đã trao đổi về vấn đề hàng giả, hàng nhái đang gây bức xúc cho xã hội trong thời gian qua. Đại biểu Hoà đã đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý về tình trạng này.
Nếu làm nghiêm túc thì không thể để lọt
"Trách nhiệm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của Bộ Y tế. Về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là trách nhiệm thuộc Bộ Công Thương. Hai bộ này phải có trách nhiệm kiểm tra nhưng đã để xảy ra sai phạm nhiều nơi, nhiều chỗ, đặc biệt ở thành phố lớn", đại biểu Hoà nói.
Trước đó chiều 19/5, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, buôn lậu, làm cả hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết, trong khi để làm việc này thì phải có kho bãi, hoạt động mua bán, vận chuyển. Theo Thủ tướng chỉ có 2 khả năng, một là không còn ý chí chiến đấu; hai là bị mua chuộc, có tiêu cực; cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp)
Theo đại biểu Hoà, những nơi sản xuất, kinh doanh hàng giả đâu phải trong trong rừng núi hiu hắt. Đó là những nơi rất thông thoáng, đường phố thuận tiện, cơ sở vật chất, nhà xưởng rất lớn mà cơ quan nhà nước không phát hiện được thì vô lý.
Đại biểu cũng thống nhất với tư duy chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Từ đó các cơ quan phải phối hợp thực hiện hậu kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên thời gian qua nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng lọt qua lỗ hổng của cơ quan chức năng thì phải có sự chống lưng, tiếp tay.
Bởi nếu thực hiện nghiêm túc thì không một sản phẩm nào có thể lọt qua mắt cơ quan chức năng.
"Chỉ khi kiểm tra có sự lơ là, bị lót tay, mua chuộc, được tặng phong bì thì mới kiểm tra không đến nơi, đến chốn. Trường hợp khác là có chân trong chân ngoài liên quan đến hàng giả", đại biểu nói.
Ông Hoà cho rằng những người tiếp tay, lơ là thì nặng phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nhẹ thì xử lý vi phạm hành chính, có thể buộc thôi việc.
Xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin
Liên quan đến vụ việc Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố mới đây do liên quan đến vụ kẹo Kera, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, hoa hậu Thùy Tiên là người nổi tiếng có nhiều người yêu quý, hâm mộ nhưng lại tham gia điều hành, sản xuất, buôn bán hàng giả.
Vừa qua, cơ quan điều tra một mặt truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng làm hàng gian, hàng giả. Việc cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam hoa hậu Thùy Tiên để điều tra với cáo buộc "Lừa dối khách hàng" là rất cần thiết, xử lý rất nghiêm.
"Dù đối tượng đó là ai, ở vai vế nào, có nổi tiếng ra sao nếu tiếp tay cho đối tượng xấu đều phải xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin nơi người dân", ông Hoà nói.
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc “Lừa dối khách hàng”
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đánh giá đây là vụ việc rất đáng tiếc bởi trước khi xảy ra sự việc, Thuỳ Tiên, Quang Linh Vlogs từng là hình ảnh rất đẹp của thanh niên Việt Nam.
Từ vụ việc này, đại biểu Nga cho rằng một bộ phận những người có ảnh hưởng đến công chúng chưa hiểu biết thực sự đầy đủ về pháp luật, thậm chí, có những người trong quá trình làm việc, họ vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho những hành động không đúng pháp luật.
Bởi nếu họ hiểu biết đầy đủ thì không dẫn đến tình trạng đáng buồn như thế.
"Khi người nổi tiếng đã xây dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng, xây dựng sự nghiệp khá rạng rỡ, nếu hiểu biết thấu đáo về pháp luật thì có lẽ họ không chấp nhận đánh đổi đến thế", bà Nga nói.
Do đó, đại biểu mong muốn, một mặt rà soát siết chặt quy định pháp luật, mặt khác cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ý thức để tự nâng cao kiến thức, trau dồi kiến thức cho bản thân.
Đặc biệt, bà cho rằng, những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đến công chúng lại càng cần sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cũng như giá trị chuẩn mực đạo đức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!