Gỡ điểm nghẽn, tìm hướng đi mới cho xuất khẩu rau quả

Kate Trần-Thứ hai, ngày 19/05/2025 09:32 GMT+7

bangdatally.xyz - Xuất khẩu rau quả - bức tranh chứa nhiều mảng tối trong những tháng đầu năm cho thấy, nước ta cần nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn, tìm hướng đi mới cho ngành hàng này.

Xuất khẩu rau quả suy giảm mạnh

Theo số liệu từ Cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 4/2025 chỉ đạt hơn 520 triệu USD, giảm tới 13% so với tháng 4/2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả chỉ thu về hơn 1,6 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm gần 46% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, nhưng 4 tháng qua chỉ đạt hơn 777 triệu USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Chia sẻ về thị trường này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam lo lắng, sầu riêng - loại trái cây từng được coi là "ngôi sao" trong xuất khẩu rau quả hiện đang gặp khó khăn lớn tại Trung Quốc, kết quả xuất khẩu của toàn ngành rau quả đi xuống. Xuất khẩu sầu riêng đã suy giảm tới 74% so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong 4 tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 130 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 500 triệu USD cùng kỳ năm 2024.

Lý giải nguyên nhân cơ quan, ông Nguyên cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu. Các tiêu chuẩn về kiểm dịch, dư lượng chất cadmium, vàng O và truy xuất nguồn gốc được siết chặt đã khiến nhiều lô hàng không đạt chuẩn bị trả về, tạo ra sự đứt gãy trong chuỗi tiêu thụ. Điều này còn cho thấy sự phụ thuộc vào một số mặt hàng nhất định đang trở thành điểm yếu của ngành rau quả Việt Nam.

Có thể thấy, dù đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rau quả Việt Nam đang đối mặt với những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và yêu cầu về tiêu chuẩn lao động, môi trường, khi mà năng lực tuân thủ tiêu chuẩn của cả nền sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế.

Bắt mạch, tìm điểm nghẽn

Theo các chuyên gia kinh tế, sự sụt giảm xuất khẩu rau quả không chỉ đến từ yếu tố thị trường mà còn bắt nguồn từ những điểm nghẽn trong khâu sản xuất và kiểm soát chất lượng. Nói về câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, tiêu chuẩn chất lượng nông sản nói chung của nước ta chưa đồng bộ. Trên thực tế, chưa có nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc ngày càng siết chặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các tiêu chuẩn GlobalGAP, HACCP và các yêu cầu về chứng nhận hữu cơ đang trở thành rào cản đối với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt thiếu sự đầu tư vào công nghệ chế biến và bảo quản, phần lớn nông sản Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng tươi sống, khiến khả năng cạnh tranh thấp và dễ bị tác động bởi biến động thị trường. Trong khi các nước xuất khẩu nông sản lớn khác như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ đã chuyển hướng mạnh mẽ sang sản phẩm chế biến sâu, Việt Nam vẫn chưa đầu tư tương xứng vào công nghệ này.

Ngoài ra theo ông Nguyên, điểm nghẽn còn nằm ở việc chưa vượt qua được các rào cản kỹ thuật và kiểm soát nguồn gốc. Nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt chưa xây dựng được quy trình truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo sự minh bạch trong quá trình sản xuất và xuất khẩu.

Chuẩn hóa chất lượng để giữ đà tăng trưởng rau quả

Trong bối cảnh xuất khẩu rau quả đang đối mặt với nhiều thách thức từ các rào cản kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng của thị trường quốc tế, việc chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là chiến lược then chốt để giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu của nông sản nói chung, ngành hàng rau quả nói riêng. "Việc chuẩn hóa tiêu chí chất lượng đang được xem là giải pháp chiến lược để khơi thông dòng chảy xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho rau quả xuất khẩu", Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định.

Gỡ điểm nghẽn, tìm hướng đi mới cho xuất khẩu rau quả - Ảnh 1.

Sau hơn nửa năm ký kết nghị định thư về sầu riêng đông lạnh, lô hàng đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc vào tháng 3/2025.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, HACCP, ISO 22000. Đây không chỉ là các giấy thông hành để hàng hóa Việt Nam vào các thị trường lớn mà còn là công cụ để nâng cao uy tín và giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến sâu không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm mà còn tạo ra các dòng sản phẩm mới, gia tăng giá trị xuất khẩu. Các sản phẩm như trái cây sấy khô, nước ép trái cây, sản phẩm đông lạnh đã chứng minh được sức hút mạnh mẽ trên thị trường quốc tế - "Đây là hướng đi mới hứa hẹn đem lại những giá trị mới và bền vững cho ngành hàng rau quả Việt", ông Phong nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Phong, để đạt được sự bền vững từ "gốc" thì điều quan trọng hàng đầu là phải tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng. Nhất là trong bối cảnh tình trạng gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng thì việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc là yêu cầu cấp bách. Các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ blockchain và mã QR để kiểm soát quá trình sản xuất từ nông trại đến bàn ăn, đảm bảo sự minh bạch và tăng niềm tin từ người tiêu dùng.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết 4 nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong đó có 2 Nghị định thư về xuất khẩu ớt và chanh leo - tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả nước ta. Song cũng đặt ra thách thức về việc phải tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm dịch nghiêm ngặt để xuất khẩu thành công sang thị trường ngày càng đòi hỏi cao này.

Ở khía cạnh hiệp hội, ông Nguyên cũng đề xuất, Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến sâu và bảo quản nông sản. Đồng thời, các khóa đào tạo về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cũng được tổ chức để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - chính sách hỗ trợ và xu hướng đầu tư vào công nghệ chế biến sâu sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước