Fed: Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng cận kề

Kate Trần-Thứ bảy, ngày 17/05/2025 13:08 GMT+7

bangdatally.xyz - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo nguy cơ xuất hiện những cú sốc "thường xuyên hơn và kéo dài hơn" đối với nguồn cung.

Phát biểu trong cuộc họp với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ tại Washington, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo nguy cơ xuất hiện những cú sốc "thường xuyên hơn và kéo dài hơn" đối với nguồn cung, trong bối cảnh chính sách thuế quan thiếu nhất quán của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng bất ổn trên thị trường.

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 4/2025 giảm 0,5% so với tháng trước đó. Theo bộ này, mức giảm như vậy chủ yếu là do chi phí dịch vụ giảm mạnh, bất chấp việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng các mức thuế mới từ đầu tháng. Nếu không tính thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại, thì chỉ số trên của tháng 4 cho thấy lần đầu tiên PPI cơ bản giảm kể từ tháng 4/2020

Cũng tại cuộc họp này, ông Powell đã đánh giá lại chiến lược chính sách tiền tệ của Fed. Chủ tịch Fed nhận định nền kinh tế Mỹ có thể đang bước vào giai đoạn có nhiều thay đổi bất ngờ liên quan đến vấn đề nguồn cung và sự thay đổi này diễn ra thường xuyên hơn và có khả năng dai dẳng hơn. Ông Powell cho rằng đây là một thách thức đối với nền kinh tế và các ngân hàng trung ương của Mỹ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed cho biết bối cảnh kinh tế hiện nay đã thay đổi đáng kể so với lần họp trước, thời điểm lãi suất vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với hiện tại. Hiện tại, Fed đang duy trì mức lãi suất cơ bản ở khoảng 4,25-4,50%, với mục tiêu hạ nhiệt lạm phát mà không làm gia tăng tình trạng thất nghiệp.

Đấng chú ý, đánh giá về lãi suất dài hạn đã tăng đáng kể trong 5 năm qua, ông Powell bày tỏ quan ngại về biến động kinh tế gia tăng trong tương lai. Trước bối cảnh đó, ông Powell cho biết Fed đang cân nhắc điều chỉnh chiến lược chính sách tiền tệ cho phép các nhà hoạch định chính sách linh hoạt hơn khi lạm phát tạm thời lệch khỏi mục tiêu dài hạn 2%.

Điều quan trọng duy trì lạm phát ở mức 2%

Ông Powell nhấn mạnh, điều quan trọng là phải duy trì kỳ vọng lạm phát ở mức 2% và đó cũng là đặc điểm nổi bật của các đánh giá trước đây. Fed đang tiến hành xem xét lại khuôn khổ chính sách tiền tệ - một hoạt động mà Fed thực hiện định kỳ 5 năm một lần. Trong lần xem xét gần đây nhất vào năm 2020, Fed đã lo ngại về việc đẩy lùi nguy cơ giảm phát. Vào thời điểm đó, Fed cho biết sau những giai đoạn lạm phát liên tục ở mức dưới 2%, Fed có thể sẽ đặt mục tiêu đạt được lạm phát ở mức vừa phải trên 2% trong một thời gian.

Ông Powell lưu ý rằng, mặc dù lãi suất chính sách của Fed hiện đang ở mức cao hơn nhiều so với mức 0 (hiện đang trong phạm vi từ 4,25% đến 4,5%), nhưng trong những thập kỷ gần đây, Fed đã cắt giảm lãi suất khoảng 500 điểm cơ bản khi nền kinh tế suy thoái.

"Môi trường kinh tế đã thay đổi đáng kể kể từ năm 2020 và đánh giá của chúng tôi sẽ phản ánh đánh giá của chúng tôi về những thay đổi đó", ông Powell cho biết. Vào 5 năm trước, Fed đã đúc lại cách tiếp cận để tạo thêm không gian cho tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn và cam kết sử dụng các giai đoạn lạm phát cao để bù đắp cho những những năm lạm phát thấp - một hiện tượng phổ biến từ năm 2010 đến năm 2019. Nhưng lạm phát đã tăng vọt sau đó và tình trạng mới nổi của nền kinh tế toàn cầu có nghĩa là cách tiếp cận đó có thể cần được xem xét lại.

Ông Powell phân tích: "Trong các cuộc thảo luận của chúng tôi cho đến nay, những người tham gia đã chỉ ra rằng sẽ phù hợp khi xem xét lại ngôn ngữ xung quanh tình trạng thiếu hụt việc làm, một thay đổi được áp dụng để Fed không xem tỷ lệ thất nghiệp thấp là dấu hiệu của rủi ro lạm phát…Trong cuộc họp của chúng tôi vào tuần trước, chúng tôi đã có quan điểm tương tự về mục tiêu lạm phát trung bình. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng tuyên bố đồng thuận mới của chúng tôi mạnh mẽ đối với nhiều môi trường và diễn biến kinh tế khác nhau".

Bình luận này của ông Powell đã chỉ ra khả năng có những sửa đổi sâu rộng đối với Fed, với sự sẵn sàng chấp nhận nhiều rủi ro hơn để ủng hộ thị trường việc làm mạnh hơn và sẵn sàng chấp nhận lạm phát cao hơn sau những giai đoạn kinh tế suy yếu.

Hồi đầu tháng 5, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận, chưa thể xác định liệu kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định hay sẽ chững lại do những bất ổn gia tăng và nguy cơ lạm phát bùng phát trong thời gian tới. "Tác động từ các chính sách thuế quan vẫn còn rất khó đoán định cả về quy mô, thời gian và mức độ lan tỏa" - ông Powell nhấn mạnh và ám chỉ rằng Fed - với vai trò là cơ quan điều hành chính sách tiền tệ - đang ở thế bị động, chờ đợi những tác động đầy đủ từ các chính sách kinh tế của chính quyền ông Trump.

Còn theo ông Thomas Simons, Kinh tế trưởng phụ trách Mỹ tại Jefferies, nhận định tuyên bố của Fed đã làm nhẹ mức độ hỗn loạn của tình hình. Ông cho rằng loạt tin tức về thuế quan, từ việc hoãn 90 ngày áp thuế vào ngày 9/4 cho đến những thông tin trái chiều về các thỏa thuận thương mại, đã khiến các khảo sát doanh nghiệp và người tiêu dùng trở nên tiêu cực, làm cho việc dự đoán triển vọng kinh tế gần như bất khả thi. "Trong hoàn cảnh như vậy, ông Powell buộc phải giữ thái độ thận trọng và không cam kết bất kỳ hướng đi nào" - ông Simons nhận xét.

Tuy nhiên, Fed vẫn bảo lưu đánh giá rằng nền kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện sức chống chịu tốt, với thị trường lao động vững vàng và tăng trưởng vẫn ở mức "ổn định". 

Dù sao đi nữa, hiện Fed chưa thể phản ứng cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng về xu hướng chuyển động của nền kinh tế và mức độ ảnh hưởng đến hai mục tiêu: kiểm soát lạm phát quanh mức 2% và duy trì toàn dụng lao động. Hướng đi tiếp theo của Fed sẽ phụ thuộc vào việc rủi ro nào hiện hữu trước: thất nghiệp hay lạm phát. Nếu thị trường lao động suy yếu, khả năng cắt giảm lãi suất sẽ được tính đến. Ngược lại, nếu lạm phát tăng cao, Fed có thể sẽ duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.

Theo ông Ashish Shah, Giám đốc đầu tư của Goldman Sachs Asset Management nhận định, dữ liệu việc làm khả quan gần đây là yếu tố hỗ trợ Fed duy trì quan điểm giữ nguyên lãi suất, và chỉ khi thị trường lao động thực sự yếu đi, chu kỳ nới lỏng mới có thể nối lại./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước