Giới chuyên gia và các tổ chức tài chính lớn đã đưa ra những dự báo tích cực hơn về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời cũng khuyến cáo Bắc Kinh cần phải có thêm những biện pháp để tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi.
Ngay sau khi căng thẳng thương mại hạ nhiệt, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bật tăng mạnh mẽ. Động lực này thúc đẩy Citigroup nâng dự báo chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong (Trung Quốc) lên 25.000 điểm vào cuối năm nay và 26.000 điểm trong nửa đầu năm 2026 - tăng đáng kể so với hiện tại. Nomura cũng nâng hạng và tăng vốn đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc, với niềm tin vào triển vọng phục hồi của thị trường.
Ông Zhou Zheng - Cố vấn đầu tư cấp cao Công ty Aijian Securities nêu ý kiến: "Thị trường nhìn chung đang có xu hướng phục hồi bền vững. Điều này rõ ràng đã thúc đẩy tâm lý lạc quan trên toàn thị trường và khối lượng giao dịch đã có sự gia tăng so với tuần trước".
Triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc cũng sáng hơn khi Goldman Sachs nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay từ 4% lên 4,6%. Các tổ chức như UBS, JP Morgan, Natixis đều điều chỉnh nâng dự báo, phản ánh kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau thỏa thuận thương mại.
Nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường không nên quá lạc quan
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường không nên quá lạc quan, bởi thỏa thuận vừa đạt được chưa đủ để mang lại sự ổn định lâu dài - điều các doanh nghiệp đang rất cần.
Ông Heron Lim - Chuyên gia kinh tế Hãng nghiên cứu Moody's Analytics cho biết: "Mức thuế quan 30% tuy thấp hơn nhiều so với 145%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt, nhiều mặt hàng giá trị nhỏ trước đây không bị đánh thuế thì nay cũng bị áp thuế. Dù chi phí thuế quan chủ yếu do người tiêu dùng Mỹ trả, nhưng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị giảm đơn hàng ngay lập tức, như trong các dữ liệu của tháng 4. Ngay cả khi doanh nghiệp Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác, chi phí vận chuyển tăng cao cũng sẽ khiến lợi nhuận bị thu hẹp".
Trước thềm cuộc đàm phán với Mỹ, Trung Quốc đã tung ra gói chính sách hỗ trợ kinh tế và ổn định thị trường. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn chờ đợi thêm các tín hiệu hỗ trợ từ Bắc Kinh.
Ông Heron Lim - Chuyên gia kinh tế Hãng nghiên cứu Moody's Analytics nhận định: "Dù Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất, nhưng vấn đề lớn nhất là nhu cầu trong nước vẫn yếu do người dân và doanh nghiệp còn đang có tâm lý thận trọng. Các biện pháp hiện tại vẫn chưa đủ để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư mạnh mẽ. Chắc chắn Bắc Kinh sẽ có thêm các biện pháp tài khóa như tăng chi tiêu công, tập trung tạo việc làm và hỗ trợ tiêu dùng. Chính phủ có thể phát hành thêm trái phiếu để tài trợ cho các dự án hạ tầng, đồng thời Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để giảm chi phí vay vốn".
Các chuyên gia đồng thuận rằng, các chính sách hỗ trợ linh hoạt và tiến trình đàm phán thương mại trong giai đoạn tới sẽ là những yếu tố quan trọng, quyết định khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% mà Chính phủ Trung Quốc đã đề ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!