Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển động dưới nhiều áp lực mới, từ căng thẳng thương mại, đến xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và biến động dòng vốn đầu tư, theo các chuyên gia, Việt Nam đứng trước thời điểm quan trọng để nhìn lại nền tảng phát triển của mình theo hướng bền vững hơn. Trong đó bao gồm những áp lực và cơ hội trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Một trong các yếu tố vĩ mô sẽ tác động đến dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới đó chính là diễn biến đàm phán thuế đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được mức thuế thấp hơn so với ban đầu, cùng với những phản ứng chính sách nhanh nhạy của Chính phủ về nới lỏng tài khoá và tiền tệ, sẽ giúp nền kinh tế giữ được tăng trưởng tích cực, tăng sức cạnh tranh trong khu vực.
4 tháng đầu năm, dòng vốn FDI giải ngân đạt 6,74 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Ngay cả tháng 4, tháng mà Mỹ bắt đầu có những điều chỉnh chính sách thuế quan, thì dòng vốn FDI giải ngân vẫn ở mức cao, 1,78 tỷ USD. Đặc biệt, trong 10 ngày gần đây, nhu cầu đầu tư vào Việt Nam lại có diễn biến tích cực trở lại, đơn cử như nhu cầu tìm kiếm thuê khu công nghiệp vẫn đang ổn định.
Trên thị trường, các nhà sản xuất họ cũng đang suy nghĩ rằng Việt Nam có rất nhiều cơ hội để thoả thuận một mức thuế vừa phải và có sự cạnh tranh nhiều hơn so với các nước trong khu vực, chính vì vậy các nhà đầu tư hiện họ vẫn tiếp tục quan tâm đến thị trường Việt nam.
Ông DC Lim - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB nhận định: "Trong thời gian tới, tôi tin rằng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Dù có thể có một vài điều chỉnh nhỏ về cơ cấu ngành, nhưng xu hướng chung vẫn rất tích cực. Chính phủ đang đi đúng hướng, chú trọng vào các ngành công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như những lĩnh vực có giá trị sở hữu trí tuệ. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đang từng bước hướng tới tăng trưởng bền vững về lâu dài".
Tuy nhiên, để duy trì sức hút và vươn lên trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực, cácchuyên gia cho rằng, Việt Nam không chỉ tăng đầu tư cho hạ tầng cứng, mà còn phải cải thiện hạ tầng mềm từ quy hoạch, thủ tục đầu tư, đến môi trường phát triểnngành công nghiệp sản xuất mang tính bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!