Việt Nam đang hướng tới mục tiêu thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là mục tiêu tham vọng khi hiện nay, Việt Nam tiến gần đến ngưỡng thu nhập trung bình cao, đòi hỏi cần có đột phá trong cải cách thể chế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo "Việt Nam 2045 - Đột phá: Thể chế cho một tương lai thu nhập cao" vừa được công bố sáng nay.
Việt Nam đang thể hiện quyết tâm đột phá tăng trưởng thông qua các Nghị quyết Trung ương về về cải cách thể chế hay kinh tế tư nhân. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình và vươn lên vị thế thu nhập cao đều nhờ liên tục cải thiện chất lượng thể chế.
Bà Mariam J.Sherman - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia, Lào - cho biết: "Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu sau 4 thập kỷ cải cách và đổi mới, đấy là nền tảng vững chắc để đột phá cải cách thể chế trong thời gian tới. Giảm gánh nặng pháp lý để khu vực tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ. Xây dựng một sân chơi bình đẳng để mọi thành phần trong khu vực tư nhân đều có cơ hội cạnh tranh, từ đó, những doanh nghiệp tốt nhất sẽ có thể vươn lên và dẫn dắt thị trường".
Theo Ngân hàng thế giới , trong vòng 10 năm qua, với 210 khuyến nghị về mặt thể chế, mới có khoảng 27% đã được cải cách để thực hiện hiệu quả hơn. Với mục tiêu thu nhập cao, Việt Nam vẫn cần thêm nhiều nỗ lực về cải cách thể chế để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định hơn.
Cải cách về quản lý đầu tư công, từ khâu lựa chọn dự án, triển khai đến giám sát thực hiện được đánh giá có ý nghĩa quyết định đối với giai đoạn phát triển tiếp theo. Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều thay đổi khi sát nhập các tỉnh thành, xây dựng chính quyền có năng lực, phân cấp phân quyền rõ ràng và tăng trách nhiệm giải trình những điều này được kỳ vọng sẽ tạo môi trường minh bach, hiệu quả quản lý cao hơn
Ông Nguyễn Quốc Trường - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế Tài chính, Bộ Tài Chính - cho biết: "Chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được văn bản yêu cầu giải thích luật, nghị định từ địa phương, trong khi đã được giải thích rõ ràng cho từng văn bản pháp luật. Điều này phản ánh vẫn còn hạn chế trong đội ngũ địa phương. Đào tạo nhân lực cho các địa phương là điểm cần thúc đẩy trong thời gian tới".
Trong 20 năm qua, tỷ trọng tài sản cố định của quốc gia trong khu vực tư nhân tăng gấp 3 lần, từ 20% lên 61%. Kinh tế tư nhân trở thành một mũi nhọn tăng trưởng, trong khi cải cách thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh, mở lối cho sự chuyển mình mạnh mẽ của toàn nền kinh tế.
"Để trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cũng cần xây dựng một bộ máy công vụ hiệu quả và có trách nhiệm giải trình với quy mô hợp lý, chế độ đãi ngộ tốt hơn và được hậu thuẫn bởi các thể chế bảo đảm quy trình tố tụng hợp pháp, tính minh bạch và cơ chế giám sát độc lập" - lãnh đạo Ngân hàng Thế giới khuyến nghị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!