Tháng 5 năm nay đánh dấu đơn hàng cuối cùng của Bộ Tài chính Mỹ để sản xuất đồng 1 xu và đưa ra thị trường. Như vậy, sau hơn 230 năm đưa vào lưu hành, đồng 1 xu sẽ bị ngừng sản xuất tại Mỹ, bất chấp nhiều tranh cãi. Lý do dẫn đến quyết định loại bỏ đồng 1 xu của Mỹ xuất phát từ nhu cầu đối với đơn vị tiền tệ này giảm mạnh trong khi chi phí đã đội lên đáng kể.
Một lý do khiến Mỹ phải đúc số lượng lớn đồng 1 xu mỗi năm là bởi phần lớn trong số này không quay trở lại lưu thông. Theo ước tính, hiện có khoảng 114 tỷ USD đồng 1 xu đang được lưu hành, nhưng có thể không được sử dụng. Chúng bị lãng quên trong ngăn kéo, ống tiết kiệm, hoặc rơi vãi ở những nơi chẳng mấy ai thấy cần đi tìm vì giá trị quá thấp. Tính toán cho thấy, tất cả những đồng xu bị bỏ quên đó có thể tạo thành một khối lập phương cao khoảng 13 tầng.
Ông Raymond Robertson - Đại học Texas A&M, Mỹ nêu ý kiến: "Chúng ta đang sống trong xã hội không tiền mặt. Khi một đơn vị tiền tệ bị người dân bỏ lại ở quầy tính tiền để người sau dùng tiếp, điều đó chứng tỏ nó đã trở nên quá nhỏ để có giá trị sử dụng thực tế. Trong năm sau, chúng ta sẽ có thể thấy đồng 1 xu dần biến mất, nhưng điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp, cửa hàng sẽ có xu hướng làm tròn tiền lên".
Mỹ không phải quốc gia đầu tiên loại bỏ đồng tiền có giá trị nhỏ nhất
Kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai tới nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vận động ngừng lưu hành đồng 1 xu, với lý do sản xuất đồng tiền xu này quá tốn kém.
"Mỹ đã đúc đồng 1 xu với giá cao hơn giá trị của nó suốt một thời gian dài. Tôi đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính dừng việc này. Hãy loại bỏ sự lãng phí trong ngân sách quốc gia, dù chỉ là từng đồng lẻ" – ông Trump nêu rõ.
Trong năm tài khóa 2024, chi phí để đúc ra đồng 1 xu đã cao gấp 4 lần giá trị của nó, chủ yếu do giá kim loại như kẽm và đồng tăng cao. Việc chi phí sản xuất vượt giá trị thể hiện trên bề mặt đồng tiền này đã kéo dài suốt 19 năm qua, theo báo cáo của Cục Đúc tiền kim loại Mỹ. Do đó, việc kết thúc sản xuất đồng tiền này sẽ giúp Mỹ tiết kiệm được một khoản chi phí lên tới 56 triệu USD hàng năm.
Trên thực tế, người dân Mỹ hiện cũng không còn sử dụng tiền mặt quá thường xuyên do mua sắm trực tuyến và giao dịch bằng thẻ lên ngôi.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc loại bỏ đồng 1 xu không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn có thể rút ngắn thời gian thanh toán tiền mặt, dù chỉ là vài giây mỗi giao dịch. Dù bị ngừng sản xuất, đồng xu này vẫn sẽ được lưu hành hợp pháp và tiếp tục được sử dụng tại hàng nghìn cửa hàng.
Mỹ cũng không phải quốc gia đầu tiên loại bỏ đồng tiền có giá trị nhỏ nhất. Canada đã ngừng đúc đồng 1 xu kể từ năm 2012 và chính thức loại bỏ khỏi lưu thông sau đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!