Doanh nghiệp làm gì để vượt qua "cú sốc" thuế quan?

Kate Trần-Chủ nhật, ngày 18/05/2025 07:09 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực nâng tỷ lệ nguyên liệu nội địa từ lên cao hơn

bangdatally.xyz - Trước những thay đổi chính sách thuế liên tục và có phần khắc nghiệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những chiến lược rõ ràng để tồn tại và phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với cú sốc thuế quan từ phía Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Trước những thay đổi chính sách thuế liên tục và có phần khắc nghiệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những chiến lược rõ ràng để tồn tại và phát triển bền vững.

"Cú sốc" thuế quan tác động tức thì

Theo các chuyên gia kinh tế, những động thái mạnh mẽ nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác lớn thời gian qua đã làm rung chuyển thương mại toàn cầu.

Đối với nước ta, trước hàng loạt quyết định điều chỉnh thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ đã khiến doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào thế khó khăn.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong 4 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,4 tỷ USD. Xuất siêu sang Mỹ đạt 37,7 tỷ USD (tăng 24,9% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, với các biện pháp thuế mới, dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong nửa cuối năm có thể sẽ giảm sâu nếu doanh nghiệp không kịp thời điều chỉnh chiến lược. Cú sốc thuế quan của Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản, điện tử...lâu nay vốn phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.

Đơn cử, theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), từ tháng 4/2025, các sản phẩm dệt may xuất khẩu sang Mỹ đều bị áp thêm 10% tạo ra sự mất cân bằng trong động lực thương mại của ngành dệt may Việt Nam, khi mức thuế trung bình đã tăng từ 5% lên 15%, khiến hàng Việt khó cạnh tranh so với các đối thủ khác tại Mỹ.

Bên cạnh đó, theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế và Chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), Việt Nam và Mỹ mới ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào tháng 7/2000, chưa ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA), nên hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào nước ta bị đánh thuế MFN (thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ thành viên Tổ chức Thương mại thế giới - WTO). Thuế MFN đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ của Việt Nam bình quân chỉ khoảng 15%.

Trong nhiều năm qua, Mỹ cũng là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro chính sách, nhất là với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản...đã và đang bị thị trường này siết chặt kiểm soát về xuất xứ để phòng tránh gian lận thương mại. "Đặc biệt, mức thuế bình quân mà Mỹ công bố ngày 2/4 vừa qua áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam lên đến 46% thực sự là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Nhưng đây chỉ là mức công bố ban đầu, chúng ta và Mỹ bắt đầu quá trình đàm phán và chúng ta vẫn chờ đợi kết quả tốt", ông Thắng nhấn mạnh.

Trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 15/5, Bộ Ngoại giao thông tin, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại cân bằng, bền vững với Mỹ trên tinh thần hiệu quả, thẳng thắn, xây dựng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và mang lại kết quả lợi ích cho cả hai bên.

Doanh nghiệp làm gì để vượt qua cú sốc thuế quan? - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với bà Rebecca Burch - Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ và một số thành viên về một số nội dung trong đó có Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Mỹ Ảnh: Bộ Tài chính

Giải pháp "chống sốc" cho doanh nghiệp

Ngay sau khi bị Mỹ áp thuế quan mới, Chính phủ, bộ ngành và các cơ quan đã nhanh chóng đưa gia giải pháp, ban hành các gói hỗ trợ để "chống sốc", kịp thời giúp doanh nghiệp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Ngày 12/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 753/QĐ-TTg thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ, có nhiệm vụ đàm phán để giảm thiểu tác động của thuế quan mới, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, hai tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ là VCCI, AmCham đồng thời mong muốn Chính phủ hai nước đối thoại cởi mở và hợp tác nhằm xây dựng một chương trình có tính xây dựng góp phần giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Hai tổ chức này có đề cập đến việc Việt Nam đã giảm thuế đối với 13 nhóm hàng hóa - mang lại lợi ích thiết thực cho các nhà xuất khẩu Mỹ và Việt Nam cũng cam kết sẽ tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu thêm nhiều sản phẩm từ Mỹ.

Đồng thời, các tổ chức thương mại như VCCI, EuroCham và AmCham cũng đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác mới và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế.

Đáng chú ý, trước mắt, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét kéo dài việc giảm 2% thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đến hết năm 2026. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể đăng ký nhận hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm xanh…

Còn đối với doanh nghiệp, theo các chuyên gia kinh tế, trước áp lực thuế quan và nguy cơ cao từ việc chứng minh xuất xứ tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp cần tập trung cao độ để tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa, siết chặt quản lý chuỗi cung ứng và đẩy mạnh tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đơn cử như dệt may – ngành hàng phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Mặc dù, trong quý I tháng đầu năm, một số ông lớn xuất khẩu vào Mỹ báo lãi như May Sông Hồng, Vinatex, Dệt may Thành Công…Nhưng bắt đầu từ đầu quý II với những lo ngại về thuế quan Mỹ cũng như siết chặt về nguồn gốc xuất xứ có thể làm xáo trộn cục diện.Về vấn đề này, theo ông Cẩm, khó khăn đối với ngành dệt may vẫn hiện hữu khi thị trường xuất khẩu lớn nhất đang trở nên ngày càng khó lường. Do đó, các doanh nghiệp đang phải tính toán lại đơn hàng, chi phí. Hiện nhiều doanh nghiệp thành viên đang nỗ lực nâng tỷ lệ nguyên liệu nội địa từ lên cao hơn, khoảng hơn 60% để tránh rủi ro điều tra và giảm phụ thuộc nguồn cung đầu vào nhập khẩu. Đồng thời, đầu tư vào sản phẩm thân thiện môi trường để đón đầu xu hướng tiêu dùng bền vững...

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng, trong bối cảnh Mỹ siết chặt chính sách thuế, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để tiếp cận thị trường mới với mức thuế ưu đãi. Thậm chí, đối với một số thị trường khắt khe như EU thì doanh nghiệp phải chuyển hướng về kế hoạch sản xuất, đầu tư nhanh chóng để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, một trong những giải pháp có thể thực hiện ngay là doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường triển khai sử dụng nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng quốc tế, giảm bớt chi phí trung gian, tăng lợi nhuận…

Có thể thấy, dù cú sốc thuế quan từ Mỹ đã tạo ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại chiến lược kinh doanh và cải tiến mô hình hoạt động. Tận dụng các gói hỗ trợ từ Chính phủ, đẩy mạnh chuyển đổi số và mở rộng thị trường sẽ là những bước đi cần thiết để vượt qua sóng gió và tiếp tục phát triển bền vững./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước