Sáng 20/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Tham gia góp ý, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị sửa đổi thêm một nội dung trong Luật Doanh nghiệp đó là độ tuổi cá nhân được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Hiện nay, quy định của Luật Doanh nghiệp yêu cầu cá nhân phải đủ từ 18 tuổi trở lên mới được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp. Đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị hạ độ tuổi này xuống 16 tuổi, tức là 16 tuổi sẽ được quyền tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình)
Lý giải cho đề xuất này, ông Hiếu cho biết, hệ thống luật pháp hiện nay quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Như vậy, 16 tuổi trở lên thì không còn là trẻ em nữa. Xét về độ tuổi lao động, hiện quy định đủ 15 tuổi trở lên đã có quyền lao động.
Còn về năng lực, hành vi dân sự thì người chưa đủ 18 tuổi chưa có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Dân sự. Song khoản 4 Điều 21 đã quy đinh ''người từ đủ 15 tuổi trở lên đã có thể tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trừ quyền sử dụng đất và bất động sản phải đăng ký''. Như vậy, những người đủ từ mình 15 tuổi trở lên có tiền thì họ hoàn toàn đã có quyền tự mình nhân danh và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các giao dịch dân sự.
"Lấy ví dụ như một học sinh cấp 2, nếu có định hướng nghề nghiệp và không muốn học các trường cao đẳng nghề và sau đó mở một cửa hàng bán trà sữa chẳng hạn để kinh doanh. Vậy tại sao không cho họ quyền tham gia góp vốn để thành lập các tổ chức kinh tế để thực hiện quyền này", đại biểu Hiếu nói và đề nghị hạ độ tuổi tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp xuống là đủ từ 16 tuổi trở lên thay vì đủ 18 tuổi.
Cần hết sức cân nhắc
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng, phải "hết sức cân nhắc" về đề xuất đề xuất mở rộng quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp của người chưa thành niên.
Ông Ba cho rằng, Luật Doanh nghiệp hàng chục năm qua từng bước hoàn thiện quy định về quyền gia nhập thị trường của các tổ chức, cá nhân.
"Với cá nhân, chúng ta phân biệt rất rõ 3 quyền: Quyền thành lập; quyền quản lý hay quản trị, tham gia vào bộ máy quản lý, điều hành của doanh nghiệp; quyền góp vốn. Đối với quyền thành lập và quyền quản trị thì đòi hỏi người phải trưởng thành, phải có những điều kiện kể cả về mặt nhận thức cũng như về mặt tư cách đạo đức, các điều kiện khác có liên quan để chống các xung đột lợi ích", ông Ba nói.
Điều 17, khoản 2 của Luật Doanh nghiệp hiện hành đã phân biệt rất rõ quyền thành lập, quản lý, góp vốn của các chủ thể. Theo ông Ba, luật từ lâu đã không cấm việc góp vốn vào doanh nghiệp, ai có tài sản đều có thể góp vốn.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định)
Một số đối tượng bị cấm thành lập, tham gia, góp vốn nhằm để tránh xung đột lợi ích, như: Cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang. Một số luật cũng cấm cán bộ, công chức tham gia doanh nghiệp như Luật Cán bộ công chức, Luật Phòng chống tham nhũng…
"Còn quy định về quyền góp vốn vào doanh nghiệp nhằm thu hút mọi nguồn lực phát triển. Có thể ý kiến của đại biểu Phan Đức Hiếu đề xuất quyền cho người 16 tuổi là quyền tham gia thành lập doanh nghiệp. Đề nghị cân nhắc việc này", ông Ba nói và lưu ý rằng một doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiều giao dịch thì người chưa thành niên tham gia thì cần xem xét.
Siết địa chỉ thành lập doanh nghiệp
Cũng liên quan đến thành lập doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết Luật Doanh nghiệp hiện hành có quy định ''trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới, đơn vị hành chính có số điện thoại, số phách và thư điện tử nếu có.
Tuy nhiên quy định này không đề cập đến việc yêu cầu các giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu hoặc là quyền sử dụng hợp pháp đối với địa chỉ trụ sở khi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Trên thực tế hiện nay cũng không ít cá nhân và tổ chức đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng lại sử dụng địa chỉ không có thực hoặc là địa chỉ nhà riêng của người dân, thêm vào đó số điện thoại của công ty có thể cũng không liên lạc được hoặc là không tồn tại.
Điều này tạo ra không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác hậu kiểm sau khi doanh nghiệp được đăng ký.
Vì vậy đại biểu Yến Nhi đề nghị xem xét, nghiên cứu và bổ sung quy định cụ thể về việc yêu cầu chứng minh quyền sở hữu hoặc là quyền sử dụng hợp pháp đối với địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính minh bạch và dễ dàng kiểm tra trong quá trình giám sát, quản lý doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!