Sáng 20/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, thay mặt Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.
Cho vay lãi suất 0% không cần thế chấp
Theo dự thảo Luật, Chính phủ đề xuất Ngân hàng Nhà nước được quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là 0%/năm.
Dự thảo Luật sẽ bãi bỏ một số khoản, một số cụm từ để phù hợp và thống nhất với việc thay đổi thẩm quyền quyết định các khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước có lãi suất 0%, không có tài sản bảo đảm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành Ngân hàng Nhà nước nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định cho vay đặc biệt; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ.
"Việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm đảm bảo việc tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban Kinh tế - Tài chính tán thành việc điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi
Song Uỷ ban Kinh tế - Tài chính đề nghị rà soát các quy định hiện hành về cho vay đặc biệt; nghiên cứu quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm. Ngoài ra cần quy định rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục cho vay và có các biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế tổn thất có thể xảy ra.
"Rà soát các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 liên quan đến thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt để sửa đổi, bổ sung phù hợp với việc phân cấp thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước, tránh phát sinh vướng mắc trong triển khai thực hiện", ông Phan Văn Mãi cho biết.
Ngân hàng xử lý nợ xấu không được trái với đạo đức xã hội
Liên quan đến xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, dự thảo Luật quy định về thu giữ tài sản bảo đảm không phải là việc thu giữ đơn phương, vô điều kiện mà phải tuân thủ phạm vi, giới hạn, điều kiện thu giữ. Đồng thời, quy định về trình tự, thủ tục thu giữ, công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên có nghĩa vụ, tổ chức tín dụng và các bên có liên quan.
"Quy định rõ trong quá trình thu giữ, tổ chức tín dụng không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Tổ chức tín dụng chỉ được ủy quyền thu giữ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng đó", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Ngân hàng xử lý nợ xấu không được trái với đạo đức xã hội
Liên quan đến kê biên tài sản của người phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu, dự thảo Luật quy định theo hướng tài sản của người phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ bị kê biên. Xử lý theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã được ký kết và phát sinh hiệu lực sau thời điểm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Thẩm tra về các nội dung trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Tài chính đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm sau thu giữ, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thu giữ tài sản bảo đảm, các bên có liên quan.
Ủy ban Kinh tế - Tài chính cũng tán thành việc quy định các trường hợp kê biên tài sản của người phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu. Song cơ quan đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp thi hành bản án liên quan đến quyền lợi của bên thứ ba.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!