Đề xuất cán bộ đi làm xa sau sáp nhập được mua nhà ở xã hội

Thuỳ An-Thứ ba, ngày 20/05/2025 11:18 GMT+7

bangdatally.xyz - Chính phủ đề xuất đưa công chức chịu tác động của việc sáp nhập các đơn vị hành vào đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.

Sáng 20/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh báo cáo dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Một trong những vấn đề được Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh chính sách hỗ trợ người lao động hiện nay còn nhiều vướng mắc.

Theo Bộ trưởng, nhiều người lao động trong khu công nghiệp không có khả năng mua nhà ở xã hội, không đủ tiền để thuê các căn hộ chung cư thương mại với giá cao... Do đó, họ phải thuê nhà trọ do người dân xây dựng tự phát là những dãy phòng cấp bốn diện tích mỗi phòng chỉ rộng khoảng 9-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật kèm theo dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của người lao động.

Đề xuất cán bộ đi làm xa sau sáp nhập được mua nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị sự nghiệp công lập mong muốn được thuê nhà ở xã hội để chủ động về chỗ ở cho cán bộ, viên chức, người lao động của mình thì không thuộc đối tượng được thuê nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thực hiện công tác sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, thành, tổ chức chính quyền hai cấp, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải đi xa nơi ở để làm việc, cần có chính sách để tạo điều kiện cho họ có chỗ ở. Song, hiện nay, pháp luật chưa cho phép cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở.

Do đó, để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cần thiết có chính sách cho phép doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội để cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở, yên tâm làm việc.

Cụ thể dự thảo đề xuất bổ sung đối tượng có địa điểm làm việc cách xa nơi có nhà thuộc sở hữu của mình, được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Theo đó, điều kiện để được mua, thuê mua nhà ở xã hội gần địa điểm làm việc là: Chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình.

Trường hợp có nhà thuộc sở hữu của mình thì khoảng cách ngắn nhất từ nhà thuộc sở hữu đến địa điểm làm việc phải từ 30 km trở lên.

Đề xuất cán bộ đi làm xa sau sáp nhập được mua nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Đề xuất bổ sung đối tượng có địa điểm làm việc cách xa nơi có nhà thuộc sở hữu của mình, được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết đề xuất doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở.

Doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân cho người lao động của mình ở…

Đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia

Tại dự thảo, Chính phủ cũng đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở trung ương và địa phương, được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa từ đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Quỹ hình thành nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Quỹ sẽ thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.

Chính phủ cũng đề xuất nhiều cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới như chủ trương chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công không thông qua đấu thầu; đề xuất bỏ thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện, cắt giảm được từ 15 - 35 ngày so với quy định hiện hành (100%)...

Về giá, dự thảo quy định, chủ đầu tư tự xây dựng, thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực về hoạt động xây dựng để thẩm tra trước khi chủ đầu tư phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước