Trong khi nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại các thành phố lớn đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, nhiều giải pháp đang được triển khai, thì ở một loại hình khác, là đất đấu giá lại đang xảy ra tình trạng bỏ không, không xây dựng nhà cửa.
Trái với cảnh tấp nập vào năm 2024, từ đầu năm tới nay, hoạt động đất đấu giá tại các huyện vùng ven Hà Nội ghi nhận xu hướng chững lại. Nhiều nơi giảm giá rõ rệt. Đây là kết quả từ việc các cơ quan chức năng siết chặt kiểm tra, xử lý các hành vi đầu cơ và thao túng hoạt động đấu giá. Điển hình như vụ việc xét xử và tuyên án 6 bị cáo thổi giá đất 30 tỷ đồng/m2 ở huyện Sóc Sơn. Ngoài ra, các quy định mới nâng giá khởi điểm, tăng tiền đặt cọc, xử lý nghiêm hành vi bỏ cọc đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Khu đất đấu giá tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Đây từng là điểm nóng, khi giá trúng cao nhất lên tới hơn 100 triệu đồng/m2. Nhưng sau đó, hơn 80% lô đất đã bị bỏ cọc. Vừa qua, huyện phải tổ chức đấu giá lại 55 lô đất ở đây và mức giá trúng cao nhất lúc này đã giảm xuống còn 90,3 triệu đồng/m2.
"Theo báo cáo của cơ quan thuế thì kết thúc thời hạn đợt 1, thu tiền sử dụng đất, rất mừng là trên 90% khách hàng nộp đúng thời hạn. Cá biệt có những trường hợp ngay sau khi trúng đấu giá khách đã nộp đủ 100%", ông Lê Hồng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, Hà Nội thông tin.
Căn cứ từ bảng giá đất mới của thành phố, giá khởi điểm và tiền đặt cọc mà người đi đấu giá phải nộp đã tăng lên gấp 3 lần so với mức cũ. Với khu vực ngoại thành, thay vì chỉ vài chục triệu đồng, nay đã tăng lên từ 200-300 triệu/lô đất. Nếu người đấu giá trúng mà bỏ cọc, không nộp tiền, họ sẽ thiệt hại một khoản không hề nhỏ. Theo bà Hạnh, đại diện một công ty đấu giá lâu năm, việc "đánh thẳng" vào túi tiền đã giúp hoạt động đấu giá đất được chấn chỉnh.
"Tình hình đã rất hạ nhiệt so với lúc trước. Ví dụ lúc trước một phiên đấu giá có thể hàng 1.000 hồ sơ. Nhưng giờ đã rút xuống khoảng vài trăm. Tức là bình quân lúc trước khoảng 40 - 50 hồ sơ trên một thửa đất tham gia đấu giá, thì bây giờ chỉ rơi vào khoảng 10 - 20 khách hàng trên một thửa đất. Và giá cũng sát với thực tế hơn, tình trạng bỏ cọc không còn", bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty Đấu giá Lạc Việt cho biết.
Ngoài việc tăng tiền đặt cọc, thì hiện nay, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay đã quy định người đấu giá vi phạm có thể bị cấm tham gia đấu giá đến 5 năm, thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Nhờ vậy, khác với cảnh tranh mua, tranh bán trước kia, tại nhiều khu đất đấu giá, hàng loạt sàn giao dịch, văn phòng môi giới dựng "dã chiến" đã đóng cửa.
Giải pháp đưa đất đấu giá vào sử dụng
Tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành khác, nhiều khu vực đất đấu giá xong đã lâu, nhưng tới nay vẫn bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Hoạt động đấu giá đất, nếu loại trừ được các tiêu cực, sẽ tạo một nguồn thu đáng kể cho ngân sách các địa phương, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, xã hội. Một phần tiền thu được từ các cuộc đấu giá được dùng để làm đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi, công viên, vườn hoa cây xanh. Còn lại sẽ đóng góp thu ngân sách của địa phương.
Một mục tiêu quan trọng khác của các cuộc đấu giá là tạo thêm nguồn cung đất ở cho người dân, để họ có thể xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, theo khảo sát, không chỉ ở Hà Nội, mà tại nhiều tỉnh, thành khác, nhiều khu vực đất đấu giá xong đã lâu, nhưng tới nay vẫn bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Gần 1 năm sau khi phiên đấu kết thúc, nhưng tới nay, chưa có một ngôi nhà nào được xây dựng. Theo khảo sát, có tới 60-70% lô đất đấu giá tại Hà Nội chưa được sử dụng. Tại nhiều địa phương khác, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra.
"Chúng ta nên có những cái siết. Ví dụ như siết về việc bao nhiêu lâu thì phải xây. Và nếu như chuyển nhượng bao nhiêu năm thì thuế phải nộp như thế nào. Nếu như bỏ hoang thì phải nộp thuế như thế nào, nó cũng hạn chế bớt, và làm cho bất động sản không phải là một cái gì đó để người người nhà nhà đi kinh doanh được", bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty Đấu giá Lạc Việt chia sẻ.
Nhiều ý kiến kiến nghị, cần bổ sung thêm quy định về thời hạn phải đưa đất đấu giá đi vào sử dụng. Ví dụ 12 tháng sau khi trúng đấu giá.
Ông Lê Hồng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, Hà Nội cho hay: "Huyện cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan thuế có lựa chọn làm sao để hạn chế được tình trạng giao dịch trong thời gian chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Tức là người trúng đấu giá phải sử dụng đất trong vòng từ 2 đến 5 năm, sau đó mới được thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất".
Đáng chú ý, vừa qua, TP Hà Nội đã yêu cầu các quận huyện hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở. Thay vào đó, ưu tiên việc đấu giá đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư. Trong năm nay, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Thanh Trì đã quyết định ưu tiên tổ chức các cuộc đấu giá đất dành cho tổ chức, doanh nghiệp.
"Đấu giá cá nhân có người xây ngay, có người nhiều năm mới xây. Còn theo tổ chức thì mình thuận lợi được cái người ta sẽ xây dựng đồng bộ theo quy hoạch", ông Nguyễn Huy Toàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội cho hay.
Tuy nhiên, việc đấu giá cho tổ chức, doanh nghiệp lại có thể làm tăng giá bán bất động sản, do doanh nghiệp phải đầu tư cả hạ tầng và xây dựng nhà lên. Bởi vậy, một số địa phương kiến nghị, với các khu đất gần đường lớn, thuận lợi kinh doanh, thì nên áp dụng hình thức đấu giá cho các tổ chức, doanh nghiệp để lập dự án. Còn các khu đất nằm trong các khu dân cư vẫn có thể tổ chức đấu giá cho các cá nhân tự xây nhà ở, đi kèm với các ràng buộc về thời hạn phải xây nhà trên đất. Lúc đó, những mảnh đất tiền tỷ mới trở thành nơi ở thật sự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!