Đánh Thuế Tiêu Thụ Đặc Biệt: Cần dung hòa lợi ích các bên?

Sơn Nghĩa-Thứ sáu, ngày 09/05/2025 21:41 GMT+7

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh cần áp thuế nước ngọt sớm, không nên chờ đến khi thế hệ trẻ mắc béo phì, bệnh tật mới can thiệp.

bangdatally.xyz - Dự thảo tăng thuế TTĐB với nước ngọt, đồ uống có cồn gây nhiều băn khoăn; cần lộ trình hợp lý để bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ doanh nghiệp, giữ ổn định nguồn thu ngân sách.

Dự thảo bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường, đồ uống năng lượng và điều chỉnh thuế suất bia rượu đang gây băn khoăn. Làm thế nào để chính sách này vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa giảm áp lực cho doanh nghiệp và đảm bảo nguồn thu ngân sách? Một lộ trình hợp lý và các giải pháp đồng bộ sẽ là chìa khóa để dung hòa lợi ích các bên.

Thách thức cân bằng lợi ích

Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) từ lâu được xem là công cụ hữu hiệu để điều tiết tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và gia tăng nguồn thu ngân sách. Dự thảo mới nhất của Bộ Tài chính, mở rộng đối tượng chịu thuế sang nước giải khát có đường, thuốc lá điện tử, đồ uống năng lượng và điều chỉnh thuế suất bia rượu, đặt ra bài toán phức tạp: làm sao để hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước?

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh cần áp thuế nước ngọt sớm, không nên chờ đến khi thế hệ trẻ mắc béo phì, bệnh tật mới can thiệp. Trình bày trước Quốc hội ngày 9/5 về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ông cho biết nước giải khát có đường trên 5g/100ml sẽ chịu thuế từ năm 2027, bắt đầu 8%, tăng lên 10% từ 2028. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, Bộ trưởng khẳng định việc đánh thuế có cơ sở rõ ràng, phù hợp với khuyến cáo của WHO khi Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ béo phì gia tăng do tiêu thụ nước ngọt nhiều.


Đánh Thuế Tiêu Thụ Đặc Biệt: Cần dung hòa lợi ích các bên? - Ảnh 1.

Người tiêu dùng chịu tác động trực tiếp khi thuế TTĐB tăng, kéo theo giá sản phẩm tăng. Ảnh minh họa

Người tiêu dùng chịu tác động trực tiếp khi thuế TTĐB tăng, kéo theo giá sản phẩm tăng. Nước ngọt, bia rượu, thuốc lá điện tử – những mặt hàng phổ biến – sẽ trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt, đặc biệt với nhóm thu nhập thấp. 

Doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu đứng trước áp lực lớn. Các ngành bia rượu, nước ngọt và thuốc lá điện tử vốn đã chịu tổn thất sau đại dịch và khủng hoảng chuỗi cung ứng. Tăng thuế đột ngột có thể khiến giá thành sản phẩm tăng, làm giảm sức cạnh tranh, đặc biệt với các thương hiệu nội. Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), doanh thu ngành bia giảm  và thuế tăng mạnh có thể đẩy nhiều nhà máy vào cảnh đóng cửa, lao động mất việc. Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, cho biết doanh nghiệp ngành đồ uống đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu tăng 30–40% và phải cắt giảm lao động. Ông đề nghị cơ quan quản lý cân nhắc kỹ, chưa nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có đường trong thời điểm này để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù đồng ý với mục tiêu của chính sách thuế TTĐB trong việc định hướng tiêu dùng và quản lý kinh tế vĩ mô, nhưng việc tăng thuế quá nhanh và quá cao có thể gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến giảm sản xuất, mất việc làm và thậm chí đóng cửa doanh nghiệp. Hơn nữa, khi giá rượu bia hợp pháp tăng, có nguy cơ người tiêu dùng chuyển sang sử dụng rượu bia giả, không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Về phía Nhà nước, thuế TTĐB là nguồn thu quan trọng. Bộ Tài chính ước tính, nếu thuế bia rượu đạt 100% vào năm 2030, ngân sách có thể thu thêm hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu thuế tăng quá cao, dẫn đến tiêu thụ giảm mạnh hoặc thị trường ngầm phát triển, nguồn thu có thể không đạt kỳ vọng, như kinh nghiệm từ Anh (doanh thu thuế rượu giảm 108 triệu bảng sau khi tăng thuế 10,1% năm 2023).

Bài toán đặt ra là làm thế nào để thuế TTĐB vừa đạt mục tiêu sức khỏe và ngân sách, vừa không gây sốc cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một chính sách thiếu cân nhắc có thể dẫn đến hệ lụy domino: doanh nghiệp suy yếu, người tiêu dùng chịu thiệt và nhà nước thất thu.

Cần giải pháp đồng bộ để dung hòa lợi ích

Để giải quyết bài toán trên, cần một lộ trình thuế hợp lý kết hợp với các giải pháp đồng bộ, đảm bảo lợi ích lâu dài cho tất cả các bên.

Bày tỏ về quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cần được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng, thực tiễn trong nước, cũng như kinh nghiệm quốc tế. Ông cho rằng không thể chỉ dựa vào xu hướng hay cảm tính để đưa ra quyết sách ảnh hưởng đến cả một ngành công nghiệp. Theo TS. Lực, nếu áp thuế vào thời điểm này, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát bị ảnh hưởng, mà toàn bộ chuỗi cung ứng – từ nguyên liệu, bao bì đến logistics – cũng sẽ chịu tác động tiêu cực, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang phục hồi sau dịch bệnh và các biến động toàn cầu. Quan trọng hơn, cần nghiên cứu áp dụng thuế theo nồng độ cồn, như mô hình của Singapore hay EU, để tạo sự công bằng giữa bia và rượu, khuyến khích sản phẩm ít cồn, phù hợp với mục tiêu sức khỏe.

Ông Trần Văn Khải, đại biểu chuyên trách của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, bày tỏ lo ngại về tính hợp lý trong việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt, đặc biệt là nguy cơ đánh đồng các sản phẩm tự nhiên như nước dừa hay nước trái cây với nước giải khát có gas. Theo ông, điều này không chỉ gây hiểu nhầm về bản chất sản phẩm, mà còn tạo ra tác động ngoài mong muốn đối với ngành nông nghiệp. "Hiện có khoảng 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến đang hoang mang vì không biết sản phẩm nước dừa chế biến của họ có bị xếp vào nhóm chịu thuế hay không", ông  Khải nói. Ông nhấn mạnh, nếu áp cùng mức thuế 10% cho nước dừa như với nước ngọt có gas là thiếu phù hợp và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi sản xuất nông nghiệp vốn đang cần được bảo vệ và phát triển.

Thuế cao sẽ làm tăng nguy cơ hàng giả

Bên cạnh đó, việc thuế tăng cao dễ đẩy người tiêu dùng sang sản phẩm bất hợp pháp, như rượu tự nấu hay thuốc lá điện tử nhập lậu, gây thất thu thuế và nguy hại sức khỏe. Năm 2024, cơ quan chức năng đã xử lý 153 vụ rượu lậu và 38 vụ bia lậu, nhưng con số này chỉ là phần nổi. Nhà nước cần đầu tư vào công nghệ truy xuất nguồn gốc, tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm để bảo vệ thị trường hợp pháp, từ đó đảm bảo nguồn thu thuế và sức khỏe cộng đồng.

Doanh nghiệp cần được tạo điều kiện để giảm áp lực từ thuế TTĐB. Các chính sách hỗ trợ tài chính, như vay ưu đãi hoặc miễn giảm thuế cho đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm lành mạnh (nước ngọt không đường, bia không cồn), sẽ giúp doanh nghiệp duy trì cạnh tranh. Đồng thời, Nhà nước nên ổn định chính sách thuế trong 2–3 năm để các doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn khó khăn.

Thuế TTĐB chỉ phát huy hiệu quả khi kết hợp với truyền thông mạnh mẽ về tác hại của nước ngọt, thuốc lá điện tử và rượu bia. Các chiến dịch giáo dục, kết hợp với biện pháp hành chính như Nghị định 100/2019 (cấm lái xe sau khi uống rượu bia), sẽ khuyến khích lối sống lành mạnh, giảm phụ thuộc vào các sản phẩm gây hại.

Trước khi áp dụng, Bộ Tài chính nên tổ chức các cuộc tham vấn rộng rãi với doanh nghiệp, chuyên gia y tế và cộng đồng để điều chỉnh lộ trình và mức thuế phù hợp. Việc tham vấn này sẽ giúp xây dựng chính sách thực tế và bền vững. Kinh nghiệm từ Malaysia, nơi tăng thuế đột ngột gây đóng cửa nhà máy và thất thu ngân sách, là bài học đáng lưu ý.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị, Nhà nước nên đưa ra lộ trình thuế hợp lý, kết hợp quản lý thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao nhận thức cộng đồng, sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép: bảo vệ sức khỏe người dân và đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững.

Nhà nước cần xây dựng lộ trình thuế linh hoạt và thực tế. Dự thảo của Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bia và rượu trên 20 độ từ 65% lên 100%, rượu dưới 20 độ từ 35% lên 70% vào năm 2030. Tuy nhiên, VBA kiến nghị giãn lộ trình đến 2031, giới hạn mức thuế tối đa 80%, tăng dần 5% mỗi hai năm. Lộ trình này đáng cân nhắc, vì nó cho phép doanh nghiệp thích nghi, người tiêu dùng điều chỉnh thói quen và nhà nước duy trì nguồn thu ổn định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước