Đàm phán Mỹ - EU đứng giữa hy vọng mong manh

P.V-Thứ ba, ngày 27/05/2025 21:10 GMT+7

Ảnh minh họa.

bangdatally.xyz - Mặc dù có những nỗ lực và tín hiệu tích cực, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU cho đến nay đã gặp phải nhiều vấn đề.

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang đứng trước cơ hội mới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn thời hạn áp thuế 50% lên hàng hóa khối này. Dù vậy, EU vẫn đứng trước thách thức lớn trong việc tìm kiếm tiếng nói chung với Mỹ.

Nỗ lực đàm phán

Sau các cuộc điện đàm với các quan chức hàng đầu của Mỹ, Ủy viên thương mại của EU, ông Maros Sefcovic, cho biết khối này vẫn cam kết đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Ông Sefcovic cho biết ông đã có các cuộc điện đàm tích cực với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hoãn thời hạn áp thuế 50% lên hàng hóa châu Âu sang ngày 9/7, thay vì từ ngày 1/6 như cảnh báo trước đó. Quyết định của ông Trump diễn ra sau cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã áp đặt nhiều đợt thuế quan lên EU, gồm mức thuế 25% đối với ô tô, thép và nhôm. Hiện tại, EU vẫn phải chịu khoản thuế 10% mà ông Trump đã áp đặt tháng trước đối với hàng nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia.

Phản ứng với thông báo hoãn áp thuế, thị trường tài chính đã có những biến động tích cực. Trong phiên 26/5, đồng euro tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng Tư, và các thị trường chứng khoán châu Âu phục hồi. Nhà phân tích Jochen Stanzl từ CMC Markets nhận định thị trường chứng khoán dường như nhảy múa theo điệu nhạc của ông Trump.

Về phía EU, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, ngày 26/5 đã chỉ trích phát biểu của ông Trump về EU và thúc giục đàm phán về một thỏa thuận.

Trong khi đó, EC cho biết đã đồng ý đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Mỹ để tránh một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương. Người phát ngôn của EC, bà Paula Pinho, khẳng định các cuộc đàm phán đang có "động lực mới" sau cuộc điện đàm giữa bà Ursula von der Leyen và ông Trump, với việc hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến trình và duy trì liên lạc chặt chẽ.

Mặc dù có những nỗ lực và tín hiệu tích cực, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU cho đến nay đã gặp phải nhiều vấn đề và vẫn chưa rõ có giải pháp nào để hai bên tìm ra điểm chung. EC đã tiến hành các cuộc đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận cùng có lợi với Mỹ, song cho đến nay khối này vẫn chưa đạt được nhiều kết quả.

Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với EU đứng ở mức 236 tỷ USD vào năm 2024. Tuy nhiên, Mỹ lại thặng dư trong thương mại dịch vụ với EU. Theo tính toán của EC, khi cộng gộp cả hai, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ với EU giảm xuống chỉ còn 57 tỷ USD. Ông Sefcovic nhận định EU có thể bù đắp con số này bằng cách mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ và một số sản phẩm nông nghiệp.

Sau đợt trao đổi tài liệu ban đầu, tuần trước Mỹ đã từ chối đề xuất của EC. Theo Bloomberg, EU đã đề nghị loại bỏ thuế quan đối với hàng công nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận cho một số sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và cùng phát triển các trung tâm dữ liệu AI.

Bất ổn bao trùm

Trong khi EU nói rằng ưu tiên của họ là tìm kiếm giải pháp đàm phán với Mỹ, khối này cũng đang chuẩn bị trả đũa nếu cần.

Brussels đang tham vấn với các quốc gia thành viên về kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa Mỹ trị giá gần 100 tỷ euro (113 tỷ USD) nếu các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ thất bại.

Đầu tháng Hai năm nay, Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với thép, nhôm và ô tô nhập khẩu. Đáp lại, EU đã lập danh sách các sản phẩm dự kiến đánh thuế với hàng hóa từ Mỹ có tổng trị giá 21 tỷ euro, nhưng sau đó đã tạm dừng động thái trả đũa này cho đến ngày 14/7 để có thời gian đàm phán.

Một số quốc gia thành viên EU đang kêu gọi EC giữ bình tĩnh khi thời hạn áp thuế đang đến gần. Bộ trưởng Kinh tế Đức, bà Katherina Reiche, nói rằng EU và Mỹ cần bình tĩnh trước các cuộc đàm phán. Bà Reiche nhấn mạnh tìm ra điểm chung là mục tiêu cần đề ra và vẫn còn sáu tuần nữa để tìm ra giải pháp. Đồng thời, bà lưu ý Mỹ cần hiểu rằng thuế quan cũng làm tổn thương họ.

Bloomberg Economics tính toán rằng mức áp thuế 50% của ông Trump sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch thương mại trị giá 321 tỷ USD giữa Mỹ và EU, làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ khoảng 0,6% và đẩy giá cả tăng hơn 0,3%.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp EU cho biết tình trạng bất ổn khiến việc lập kế hoạch kinh doanh của họ trở nên khó khăn.

Ông Gianmarco Giorda, Giám đốc điều hành của nhóm vận động hành lang các nhà sản xuất phụ tùng ô tô ANFIA của Italy (I-ta-li-a) cho biết ông hy vọng các cuộc đàm phán sẽ thành công nhưng việc xây dựng chiến lược vẫn khá phức tạp. Theo ông Giorda, chính sách thuế quan của Mỹ càng tạo thêm gánh nặng cho ngành công nghiệp ô tô đã gặp khó khăn của Italy.

Tập đoàn LAPP Group của Đức, sản xuất nhiều sản phẩm từ dây cáp cho đến robot cho nhà máy, cảnh báo rằng một số sản phẩm chuyên biệt của họ vẫn sẽ bị ảnh hưởng do môi trường kinh doanh biến động.

Theo các chuyên gia, sự thay đổi chính sách liên tục của Tổng thống Trump là lời nhắc nhở đối với các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư về việc chính sách thương mại của ông Trump có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào và chưa rõ EU sẽ làm thế nào để cân bằng nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận thương mại cùng có lợi với yêu cầu nhượng bộ lớn từ phía Mỹ.

Dù vậy, chiến lược gia Michael Pfister của ngân hàng Commerzbank vẫn bày tỏ lạc quan về kịch bản EU đạt được thỏa thuận trước ngày 9/7.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước