Hoạt động thương mại tại cảng Los Angeles đối mặt nhiều xáo trộn
Ngành vận tải biển, xuất nhập khẩu toàn cầu giờ đây đang phải đối mặt với những đợt sóng lớn từ chính sách thuế quan có thể làm thay đổi cả hải trình của hàng triệu container. Cảng Los Angeles là cảng lớn nhất, sầm uất nhộn nhịp nhất của Bắc Mỹ. Đây cũng là một trong những động lực phát triển kinh tế chủ chốt của bang California. Năm ngoái, cảng này xử lý hơn 10 triệu container hàng hoá, tổng giá trị lên tới 333 tỷ USD. Nếu có nơi nào chứng kiến bức tranh xuất nhập khẩu của Mỹ một cách toàn diện thì đó chính là cảng biển này.
Theo ông Gene Seroka - Giám đốc điều hành của cảng - căng thẳng thuế quan giữa Mỹ với các đối tác thương mại đang tác động tới những hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tại cảng. Sự thay đổi trong hoạt động tại cảng Los Angeles bắt đầu từ mùa hè năm ngoái, khi chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ bắt đầu. Trong nửa cuối năm 2024, cảng xử lý lượng hàng hoá còn nhiều hơn cả giai đoạn cao điểm năm 2021 hoặc 2022 - thời kỳ COVID-19. Một số nhà nhập khẩu lớn vào Mỹ bắt đầu đưa thêm hàng hóa về cảng Los Angeles để dự trữ, phòng trường hợp thuế quan được áp dụng trong tương lai.
Thực tế là sau khi mức thuế với hàng hóa Trung Quốc tăng lên 145%, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã quyết định ngừng mọi lô hàng từ Trung Quốc. Trong tuần đầu tiên của tháng 5, sản lượng hàng nhập khẩu đã giảm 30%. Dự kiến, mức giảm còn lớn hơn trong tuần cuối tháng 5. Trong tổng số 80 tàu dự kiến cập cảng trong tháng này, dự đoán khoảng 20%, tương đương 17 tàu - sẽ bị hủy trước ngày 31/5.
"Đây sẽ là một sự sụt giảm mạnh về khối lượng vì thuế cao khiến sản phẩm trở nên quá đắt đỏ. Khi thuế tăng, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ mang về ít hàng hơn, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ sẽ có ít lựa chọn hơn trên kệ hàng hoặc khi mua sắm trực tuyến và giá cả cũng có khả năng tăng lên. Nếu hàng hóa trở nên quá đắt đỏ, có thể các gia đình Mỹ sẽ chi tiêu ít đi", ông Gene Seroka cho hay.
Không chỉ trong những tháng gần đây, mà là ngay từ năm ngoái hoạt động thương mại tại cảng Los Angeles đã đối mặt với những sự xáo trộn. Tuy nhiên, với việc Mỹ và Trung Quốc gần đây đã đạt được thỏa thuận về việc tạm giảm thuế quan trong 90 ngày, áp lực đã có sự lắng dịu đáng kể.
Tàu chở hàng của công ty vận tải Trung Quốc COSCO neo tại cảng Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các số liệu mới nhất cho thấy là tình hình đã có một số sự cải thiện nhất định, sau khi hai bên đạt được thỏa thuận. Theo Vizion, một nhà cung cấp dịch vụ theo dõi container, lượng đặt hàng container từ Trung Quốc đến Mỹ trong tuần trước đã tăng 300% so với tuần trước đó.
Nhu cầu tăng cao cũng khiến giá cước vận chuyển cũng tăng đột biến. Theo công ty chuỗi cung ứng Drewry, giá cước vận chuyển container 40 feet từ Thượng Hải đến New York trong tuần trước đã tăng 19%. Giá cước từ Thượng Hải đến Los Angeles cũng tăng 16% và thậm chí có thể đạt 6.000 USD/container vào đầu tháng 6.
Điều này cho thấy, các cảng biển tại Mỹ có thể trở nên tấp nập hơn trong thời gian tới. Vấn đề là ở chỗ, hiệu ứng này liệu có kéo dài hay chỉ là ngắn hạn.
Thời gian 90 ngày tạm giảm thuế giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động gì?
Theo ông Gene Seroka, khoảng thời gian 90 ngày tạm giảm thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là khoảng thời gian dài trong ngành vận tải biển. Thường thì mất từng ấy thời gian để nhà nhập khẩu Mỹ đặt hàng tại nhà máy ở nước ngoài, sản xuất, vận chuyển mất 2 - 3 tuần đến Los Angeles, rồi phân phối trên toàn nước Mỹ.
Vì vậy, ông Gene Seroka không kỳ vọng sẽ có nhiều đơn hàng mới cho đến khi một thỏa thuận thương mại chính thức được ký kết. Có thể chỉ có một lượng nhỏ hàng "bù" được đưa vào, không có sự gia tăng lớn về khối lượng.
"Còn nói về mức thuế mới, dù thuế trung bình giảm từ 145% xuống còn 30%, các khách hàng của chúng tôi vẫn phải trả thuế ở mức 57%, 80%, thậm chí 90% tùy loại hàng vì có nhiều tầng thuế được áp lên các mặt hàng khác nhau. Có rất nhiều mã sản phẩm đi qua cảng và mỗi sản phẩm đều bị đánh mức thuế riêng biệt. Tôi thấy rằng khi mức thuế giảm, các nhà nhập khẩu sẽ cố gắng đưa vào Mỹ những sản phẩm đã sản xuất nhưng chưa kịp vận chuyển. Hoặc các sản phẩm đang sản xuất dở có thể sẽ được hoàn thiện và đưa đi", ông Gene Seroka nhận định.
Có thể thấy, khoảng thời gian 90 ngày mà hai nền kinh tế hàng đầu thế giới dành cho đối thoại, thực chất chỉ đủ để một lượng hàng hóa nhất định kịp cập cảng vào Mỹ. Điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong đợi nhiều hơn chính là một thỏa thuận dài hạn, có thể giải quyết căn bản những bất đồng thương mại giữa hai nước.
Song song với đó là các nỗ lực đàm phán với những đối tác thương mại khác. Bởi lúc này, áp lực từ các mức thuế mới như thuế 10%, thuế ô tô hay thuế nhôm thép đã bắt có tác động tại nhiều cảng biển và trung tâm xuất khẩu trên khắp châu Á.
Tại Nhật Bản, các số liệu vừa công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 4 đã giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần giảm đầu tiên trong vòng 4 tháng, chủ yếu do nhu cầu suy yếu đối với ô tô, thép và chip điện tử.
Tình hình ở Hàn Quốc còn nghiêm trọng hơn. Trong 20 ngày đầu tháng 5, xuất khẩu của nước này sang Mỹ đã sụt giảm tới 14,6%, kéo theo đà giảm chung của toàn bộ lĩnh vực xuất khẩu.
Trước áp lực đó, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình đàm phán thuế quan với Mỹ, nhằm đạt được thỏa thuận trước hạn chót vào tháng 7. Tuy nhiên, nhiều rào cản vẫn đang cản trở quá trình này - đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm như thuế ô tô.
Xuất khẩu Trung Quốc chuẩn bị mọi phương án để thích ứng thuế quan
Trong bối cảnh tiến trình đàm phán còn nhiều yếu tố bất định, các cảng biển, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đang phải chuẩn bị mọi phương án, cả ngắn hạn và dài hạn để thích ứng với những biến động.
Những ngày này, các công ty logistics tại Thâm Quyến đang phải hoạt động với cường độ vượt xa thường lệ. Các nhân viên liên tục phải sắp xếp tài liệu thông quan xuất khẩu, xử lý hàng loạt đơn hàng tới Mỹ. Nhiều hãng vận tải lớn buộc phải ưu tiên các khách hàng theo hợp đồng dài hạn, và từ chối các đơn hàng khác.
Ông Tan Fangqiang - Tổng giám đốc điều hành, Công ty Pago Logistics cho hay: "Tôi nhận thấy một sự gia tăng đáng kể số lượng đơn hàng sau ngày 14/5, tăng khoảng 40 đến 60%. Nếu tốc độ này tiếp tục, chúng tôi có thể sớm đạt mức tăng 80%".
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: EPA/ TTXVN
Tại cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến, nơi xử lý hơn 25% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, ban quản lý cũng phải khẩn trương điều chỉnh lịch trình, để đảm bảo hoạt động vận chuyển không bị chậm trễ.
Ông Lin Risheng - Cán bộ quản lý, Cảng Diêm Điền, Trung Quốc cho biết: "Các công ty vận chuyển đang cố gắng phối hợp với chúng tôi để điều chỉnh lịch trình neo đậu cho tàu của họ. Chúng tôi mỗi ngày tiếp nhận 6 chuyến tàu container đi Mỹ".
Tuy nhiên, bên cạnh tâm lý tích cực, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng tỏ ra thận trọng về triển vọng thương mại trong dài hạn. Giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường đang là điều đang được nhiều công ty hướng tới.
"Rất nhiều sự hợp tác bị đình trệ trước đó đã được nối lại. Chúng tôi đang cố gắng tận dụng tối đa quãng thời gian này để chuyển hàng hóa tới Mỹ. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi vẫn đang đẩy mạnh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để không bị động trong những tình huống như thế này. Chúng tôi chưa thể thở phào vì các khách hàng Mỹ đã quay trở lại, mà phải chuẩn bị cho tương lai", ông Li Erqiao - Tổng Giám đốc, Công ty Soton Daily Necessities chia sẻ.
Minh chứng rõ nét nhất cho xu hướng đa dạng hóa thị trường là việc xuất khẩu của Trung Quốc tới châu Âu hay Đông Nam Á đã tăng mạnh trong tháng 4, bù đắp cho sự suy giảm của xuất khẩu tới Mỹ. Đây sẽ là tấm đệm quan trọng, giúp các doanh nghiệp tăng sức chống chịu với biến động thuế quan trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!