Sáng 17/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Khắc phục ngay tình trạng "tiền buông, hậu bỏ"
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) tán thành quan điểm việc công bố sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mà tổ chức cá nhân đó áp dụng dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy do tổ chức đánh giá là phù hợp và hết sức cần thiết.
Song, ông Mai cho rằng, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của bên thứ 3 - bên tổ chức chứng nhận hợp quy để đảm bảo chặt chẽ, đơn vị này cần chịu trách nhiệm trước kết quả chứng nhận của mình.
"Bài học từ một số vụ sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng với số lượng lớn tồn tại trong thời gian dài, đặc biệt là sữa giả, thuốc giả, mỳ chính giả bị phát hiện trong thời gian qua cho thấy rõ những bất cập cần khắc phục ngay tình trạng "tiền buông, hậu bỏ"", đại biểu Mai nhấn mạnh.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)
Đại biểu Mai cho rằng, Luật cần có hàng rào, thậm chí hàng rào nhiều lớp để bảo vệ người tiêu dùng trước nạn sản xuất hàng giả hàng kém chất lượng, cũng như nạn "xâm lăng" của hàng nhập khẩu kém chất lượng.
Với đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng lớn tác động đến sức khỏe của người tiêu dùng, chất lượng giống nòi, ông Mai nhấn mạnh việc cần có chế tài nghiêm khắc.
"Cần xem lại chế tài đã đủ sức răn đe chưa, nếu chưa đủ cần tiếp tục bổ sung cho thỏa đáng", ông Mai kiến nghị.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần quy định cụ thể với hàng hóa cần bắt buộc phải kiểm nghiệm chất lượng theo công nghệ, hàng hóa kiểm nghiệm thì theo hướng đơn giản hơn.
"Những hàng hóa mà người dân nhìn vào sản phẩm không nắm được có chất lượng hay không thì phải kiểm nghiệm công bố cho người dân biết. Ví dụ bánh trái, nước giải khát, bia…", ông Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)
Ông Hòa cũng nhấn mạnh về vấn đề kiểm tra chất lượng sản phẩm, thời gian qua dư luận phản ánh nhiều trường hợp hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Quy định hiện nay đổi mới tư duy từ tiền kiểm mà chuyển sang hậu kiểm. Dù vậy, khi hạn chế tiền kiểm, mà hậu kiểm lại lơ là đã khiến xảy ra tình trạng người tiêu dùng sử dụng hàng hóa kém chất lượng, song lại tin rằng mình dùng hàng hóa có chất lượng.
"Cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa phải chịu trách nhiệm. Việc cơ quan chức năng bắt giữ cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế được người dân cả nước rất đồng tình. Việc xử lý nghiêm trong quá trình hậu kiểm chất lượng sản phẩm hàng hóa là rất cần thiết để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Cần làm sao người tiêu dùng bỏ đồng tiền ra tiêu dùng xứng đáng với chất lượng hàng hoá", ông Hòa nói.
Cấm quảng cáo quá mức về công dụng sản phẩm
Nói thêm "lỗ hổng" quản lý chất lượng sản phẩm, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu rõ, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được tự công bố, thậm chí một số thực phẩm bổ sung, thực phẩm thông thường thì không cần chờ phê duyệt. Trước khi lưu hành, không cần cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm nghiệm, xác nhận trước khi đưa ra thị trường.
Theo bà Thu, đây là chính sách nhằm tạo thuận lợi, giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hình thức này đã bộc lộ nhiều lỗ hổng về rủi ro cho sức khỏe cộng đồng và công tác quản lý Nhà nước.
"Nếu cơ quan quản lý không kiểm nghiệm thực tế sản phẩm mà chỉ kiểm soát qua hồ sơ do doanh nghiệp nộp, trong khi doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về các thông tin công bố nhưng cũng có nguy cơ sai sự thật và thiếu trung thực. Chưa kể, nếu phát hiện thực phẩm không đảm bảo thì việc truy xuất nguồn gốc trách nhiệm doanh nghiệp rất khó khăn do tài liệu tự lập thiếu xác nhận của bên thứ 3", bà Thu nói.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình)
Nữ đại biểu cho rằng, một số doanh nghiệp tận dụng cơ chế này để hợp pháp hóa thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn như hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi. Khi doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn, nguy cơ sản phẩm gây hại sức khoẻ, ngộ độc sẽ tăng cao. "Các vụ việc liên quan đến vấn đề an toàn của các sản phẩm dinh dưỡng vừa qua đã là hậu quả đáng tiếc cho sự bất cập này", bà nhấn mạnh.
Theo bà Trần Khánh Thu, khi đã nhìn nhận ra lỗ hổng và bất cập thì cần phải nhìn nhận nghiêm túc để khắc phục ngay.
Chủ trương tự công bố là để cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng quản lý tiên tiến, và trên thế giới nhiều quốc gia đã áp dụng. Chính vì vậy, bà Thu cho rằng, Việt Nam vẫn nên giữ cơ chế tự công bố cho các sản phẩm thông thường, tạo thuận lợi và giảm thủ tục nhưng cần nâng cao trách nhiệm thực thu, siết hậu kiểm.
"Việc minh bạch hóa yêu cầu sản phẩm tự công bố phải công khai trực tuyến bắt buộc và minh bạch hồ sơ trên cổng thông tin quốc gia, hồ sơ phải dễ dàng tra cứu truy xuất nguồn gốc, tên nhà sản xuất kinh doanh", đại biểu Thu nói.
Đồng thời, bà Thu cũng kiến nghị việc điều chỉnh việc đăng ký bắt buộc đối với nhóm sản phẩm có nguy cơ, có ảnh hưởng lớn đến nhóm đối tượng dễ tổn thương như: thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sữa y học, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng… thì bắt buộc hồ sơ công bố phải có hồ sơ kết quả nghiên cứu, hồ sơ khoa học xét duyệt kết quả nghiên cứu và có tiêu chuẩn riêng.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm nghiệm phải công khai, ứng dụng công nghệ quản lý truy xuất nguồn gốc.
"Đặc biệt, cấm quảng cáo quá mức về công dụng, nhưng tuyên bố như chữa bệnh, giảm cân cấp tốc… đều phải quản lý nghiêm ngặt", bà Thu nêu rõ.
Đại biểu Trần Khánh Thu cũng cho rằng, các sai phạm của sản phẩm hàng hoá, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng thì cần tăng mạnh chế tài khi phát hiện gian lận.
"Doanh nghiệp nào có hành vi này thì cần xử lý phạt thật nặng, đình chỉ lưu hành, thậm chí yêu cầu dừng sản xuất toàn bộ, truy cứu trách nhiệm hình sự với trường hợp gian dối gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng đã mua và sử dụng sản phẩm đó", đại biểu Trần Khánh Thu nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!