Bình ổn giá: Ai hưởng lợi?

Nguyễn Sơn-Thứ ba, ngày 19/03/2013 07:00 GMT+7

Ảnh: VTV

Mặc dù chương trình Bình ổn giá của Chính phủ được triển khai từ nhiều năm, nhưng đến nay hiệu quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn.

Khi thị trường dầu ăn biến động bất thường, tại các điểm bán hàng của Công ty Intimex Việt Nam, giá thấp hơn thị trường tự do tới gần 20.000 đồng/chai. Là một trong 15 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá tại Hà Nội, Intimex Việt Nam thừa nhận, nhiều tư thương đã mua vét hàng để bán lại với giá cao hơn, nhưng do không được điều chỉnh giá nên giải pháp duy nhất để đối phó là chỉ bán hàng theo định lượng.

Bà Nguyễn Quỳnh Mai, Công ty cổ phần Intimex Việt Nam cho rằng: “Trong những trường hợp như thế, chúng tôi cũng có những giải pháp khống chế, không đáp ứng những biên hàng quá lớn, có thể quy định mỗi một biên hàng mua chỉ một đến hai sản phẩm…”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại hầu hết các điểm bán hàng bình ổn giá. Theo quy định, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá được hỗ trợ một khoản vốn không tính lãi từ Quỹ bình ổn giá, đồng thời phải bán đúng theo giá đã đăng ký thấp hơn giá thị trường 10%.

Bà Vương Thị Thu Hằng, Trưởng ban Giá, Sở Tài chính Hà Nội khẳng định: “Nếu giá thị trường có biến động tăng, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp vẫn phải bán ra thị trường với mức giá đã được Sở Tài chính thẩm định, phải bán hết số hàng tương ứng với số tiền thành phố đã tạm ứng thì mới được điều chỉnh giá, khi điều chỉnh chúng tôi cũng xem xét để cân nhắc phải thấp hơn giá thị trường 10%”.

Theo Hội Thẩm định giá Việt Nam, quy định cố định giá khi các yếu tố hình thành giá đã thay đổi sẽ tạo ra tình trạng hai giá, làm méo mó thị trường hàng hóa. Đây là nhận thức chưa đầy đủ về bản chất của bình ổn giá.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam nhìn nhận: Nhận thức và cách làm cụ thể ở một số thị trường, một số nơi đang có vấn đề (tức là nghĩ rằng bình ổn giá là phải cố định giá lại, không theo tín hiệu thị trường), thế nên đã nảy sinh bất cập trong điều hành giá và sự vận động giá thị trường không theo mong muốn của chúng ta”.

Hội Siêu thị Hà Nội khẳng định, giá đầu vào (tức nguồn cung) quyết định giá bán lẻ và nỗ lực bình ổn giá hiện đang triển khai theo quy trình ngược. Kết quả là giá cả vẫn do thị trường tự do chi phối, vì vậy thay vì rót tiền cho khâu phân phối, giải pháp thiết thực hơn là tập trung quỹ bình ổn giá hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất để bảo đảm nguồn cung với giá thấp cho hệ thống bán lẻ.

“Về lượng tập trung cho họ phải đủ lớn, ít nhất phải chiếm 60% thị phần, như thế mới đảm bảo chi phối được thị trường. Hiện tại thị trường tự do quyết định chứ không phải thị trường bình ổn giá quyết định giá”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nói.

Đấy là chưa kể cách làm hiện nay đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp tham gia và không được tham gia bình ổn giá. Để bán được hàng, các siêu thị không được tham gia bình ổn giá buộc phải hạ giá bán và như vậy, hoặc là doanh nghiệp chấp nhận chịu thiệt thòi, hoặc là sẽ phải ép hạ giá đầu vào, tức là gián tiếp làm triệt tiêu sản xuất xã hội.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 60 doanh nghiệp bán lẻ tham gia bình ổn giá với gần 4.000 điểm bán hàng. Hàng năm, những doanh nghiệp này được hỗ trợ một phần vốn gần 1.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước không tính lãi.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước