Ba trụ cột chiến lược Việt Nam cần theo đuổi trong kỷ nguyên mới

Ngọc Hiền-Chủ nhật, ngày 11/05/2025 11:00 GMT+7

bangdatally.xyz - Ngày 10/5, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội.

Phát biểu tại toạ đàm, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội nhấn mạnh, quá trình phát triển của Việt Nam là kết quả của nhiều yếu tố tổng hợp, bao gồm bản lĩnh chính trị, tư duy đổi mới và sự tham gia đồng bộ của toàn xã hội.

Từ một quốc gia chịu nhiều hậu quả chiến tranh, Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ trong gần nửa thế kỷ qua. GDP bình quân đầu người đã tăng hơn 20 lần, từ khoảng 200 USD (1975) lên 4.284 USD (2023). Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, thuộc nhóm đầu khu vực ASEAN. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đã khẳng định vai trò là trụ cột phát triển với mức đóng góp hơn 45% GDP và tạo ra khoảng 65% việc làm.

Thực tế, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay đang duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, nợ công quanh mức 38% GDP, thuộc nhóm an toàn của khu vực. Kinh tế số đang mở rộng nhanh chóng, chiếm khoảng 14% GDP năm 2024 và dự kiến đạt 20% vào năm 2025. Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN về chính phủ số và đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, mở ra cơ hội tiếp cận tới 60 thị trường, chiếm hơn 70% GDP toàn cầu.

Ba trụ cột chiến lược Việt Nam cần theo đuổi trong kỷ nguyên mới - Ảnh 1.

Ông Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội.

“Không chỉ tập trung vào kinh tế, Việt Nam đang từng bước thực hiện các cam kết tăng trưởng xanh. Với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nước ta đang ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới tỷ trọng trên 70% công suất nguồn trong cơ cấu điện. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%, chỉ số hạnh phúc xếp hạng 65/146 quốc gia là minh chứng cho tiến bộ xã hội toàn diện”, ông Mạc Quốc Anh khẳng định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, đằng sau những con số tích cực là những vấn đề chiến lược mà Việt Nam buộc phải giải quyết nếu muốn vươn lên nhóm nước phát triển trong tương lai gần. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là đáng lo ngại khi năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ bằng 62% Thái Lan và chưa tới 11% của Singapore.

Đồng thời, sức ép từ xu hướng chuyển đổi xanh ngày càng gia tăng khi các thị trường lớn như EU, Mỹ áp dụng tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng thích nghi hoặc bị loại khỏi chuỗi cung ứng quốc tế.

Già hóa dân số cũng là một rủi ro hiện hữu. Dự báo đến năm 2038, 20% dân số Việt Nam sẽ bước vào độ tuổi trên 60. Biến đổi khí hậu, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long – vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước – đang đe dọa sinh kế hàng triệu người. Cùng với đó là sự chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn, và những hạn chế trong năng lực quản trị doanh nghiệp, vẫn là những điểm nghẽn cần tháo gỡ nếu muốn phát triển đồng đều và toàn diện.

Trước tình hình đó, ông Mạc Quốc Anh đưa ra ba trụ cột chiến lược mà Việt Nam cần kiên định theo đuổi. Thứ nhất là phát triển kinh tế tri thức và công nghiệp công nghệ cao. Theo ông, cần ưu tiên đầu tư vào các ngành như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, y sinh học, năng lượng tái tạo.

Ba trụ cột chiến lược Việt Nam cần theo đuổi trong kỷ nguyên mới - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Toạ đàm.

Đồng thời, cần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên kết giữa doanh nghiệp – viện nghiên cứu – đại học, thông qua các cơ chế như quỹ ươm công nghệ quy mô 500 tỷ đồng để phát triển ý tưởng thành sản phẩm thương mại.

Thứ hai là phát triển xanh và bền vững. Việt Nam cần thiết lập các nền tảng như Sở giao dịch tín chỉ carbon, Quỹ bảo lãnh tín dụng xanh, đồng thời khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng dụng năng lượng sinh khối và tái chế rác thải thành tài nguyên.

Thứ ba là đầu tư vào con người và giá trị văn hóa. Việt Nam cần đưa giáo dục kỹ năng số – như mã nguồn mở, STEM, tư duy thiết kế vào chương trình trung học, nhằm xây dựng một thế hệ công dân số - công dân xanh - công dân toàn cầu với tư duy mở và phẩm chất nhân văn.

Từ ba trụ cột trên, ông đề xuất hình thành một "liên minh hành động phát triển bền vững" với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng – tài chính, viện trường và người dân. Trong đó, nhà nước đóng vai trò kiến tạo chính sách, doanh nghiệp là lực lượng thực thi, ngân hàng cung cấp nguồn lực, các viện và chuyên gia cung cấp tư vấn, còn người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể giám sát.

Ông Mạc Quốc Anh khẳng định: "Muốn phát triển bao trùm, phải hành động trên nền tảng đồng thuận và chiến lược rõ ràng. Đây là thời điểm để Việt Nam không chỉ vươn lên, mà còn đi đầu trong những lĩnh vực mới của thế giới".

Tại buổi toạ đàm, các ý kiến tham luận cũng cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, chính sách mở cửa hội nhập, tốc độ số hóa và lợi thế về dân số trẻ. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng đạt 40-45 tỷ USD/năm giai đoạn 2025-2030. Các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, fintech, edtech và công nghệ y tế là “mũi nhọn” tiềm năng đưa Việt Nam vươn cao trên bản đồ công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước