Duyên phận với dân ca
Cẩm Tú sinh tại Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Ông nội là nghệ nhân ca trù nổi tiếng của đất Hà Tĩnh. Bố từng là Trưởng đoàn ca nhạc Tia sáng tại Đà Nẵng nên từ những năm còn học phổ thông, Tú đều được theo bố đi tham gia biểu khắp nơi.
Được thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật của ông và bố, nên ngay từ khi còn học trường THPT, Cẩm Tú đã tham gia rất nhiều cuộc thi và đạt giải cao: Giải nhất giọng hát Oanh Vàng; Huy chương vàng Hội diễn học sinh trung học toàn quốc…
Với thành tích đó, cô đã được tuyển thẳng vào Trường Đại học VHNT Quân đội. Sau khi tốt nghiệp, Cẩm Tú về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Tăng thiết giáp. Suốt 10 qua, cô luôn là ca sĩ số 1 của đoàn và đã đoạt nhiều giải thưởng: Giải 3 giọng hát trẻ và giọng hát hay Hà Nội; Giải nhì tiếng hát truyền hình Hà Nội; 3 Huy chương vàng toàn quân vào năm 2000, 2002, 2005…
Luôn tạo được phong cách riêng với những ca khúc đậm chất dân ca nhưng cái tên Võ Thị Cẩm Tú có lẽ mới chỉ quen thuộc với những đơn vị bộ đội và người dân ở những vùng quê mà Đoàn từng đến biểu diễn.
Lý giải cho sự thiệt thòi khi còn được ít khán giả trẻ biết đến, Cẩm Tú chia sẻ: "Thực ra thì tôi cũng đã tham gia vài cuộc thi hát nhưng đều không thành công. Có lẽ tôi là người hơi “lạc hậu” và có tính cách “an phận thủ thường”. Sau Sao Mai 2005 (Cẩm Tú vào tới chung kết phía Bắc), tôi thường nghĩ mình không có duyên với các cuộc thi hát. Thôi thì cứ cống hiến cho nghệ thuật bằng hoạt động ca hát ở Đoàn và các chương trình khác. Mình cứ yêu nghề, có trách nhiệm và hết lòng với nghề, sẽ có ngày khán giả biết tới và yêu thương, cổ vũ cho mình".
Món quà cho những người xa quê
Nhiều ca sỹ đi hát lâu năm cũng chỉ ra được một, hai album. Vợ chồng Cẩm Tú đều là bộ đội vì thế mỗi lần làm đĩa lại phải cân nhắc rất kỹ. Đó cũng là lý do vì sao sau vol 1- Câu hát quê hương, nhiều khán giả để công tìm kiếm mà không thấy album nào khác của cô.
Tuy nhiên, album mới không chỉ là món quà cho khán giả mà còn cho chính người nghệ sỹ. Vì vậy, hai album mới ra mắt của Cẩm Tú rất có ý nghĩa với cô trung uý trẻ. Album cũng gây được nhiều ấn tượng với người nghe vì ca sĩ hiện nay ít người dám đầu tư làm album về dân ca. Album thứ nhất mang tên Ngọt ngào khúc hát miền Trung là lời tri ân của một người con xa quê với khúc ruột miền Trung – nơi Cẩm Tú sinh ra.
10 bài hát là 10 câu chuyện về những miền quê ở dải đất miền Trung nắng gió nhưng mặn mòi tình người. Album thứ hai là có tựa đề Tình đất là một lời đồng vọng thiết tha của một người từng trải, từng chứng kiến bao sự đổi thay của mảnh đất quê hương nơi mình lớn khôn.
Hai album khiến nhiều người quen biết cô bất ngờ bởi sự tha thiết được thể hiện qua cách hát đơn giản nhưng lại tinh tế và đặc biệt là đủ độ sâu lắng để lay động những tâm hồn yêu âm nhạc. Không quá cầu kỳ về hình thức, nhưng ê-kip thực hiện hai album cũng đã phải đi về nhiều miền quê để chụp những hình ảnh đậm chất dân gian để phù hợp với chất nhạc mà Cẩm Tú thể hiện.
Điều đáng nói là hai album này đều gồm những bài hát quen thuộc. “Làm mới” ca khúc như thế nào để không bị lẫn với những ca sỹ từng hát trước đây là điều Cẩm Tú phải suy nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên, hát dân ca phải thật ngọt, thật “sạch” và rõ nét tiếng Việt chứ không thể phá cách, “lên gân” một cách khiên cưỡng nên Cẩm Tú không thể “làm mới bằng mọi cách” với những giai điệu đã lắng đọng rất nhiều trong lòng khán giả.
Vì thế, cô đã hát với những cảm xúc sâu lắng, tràn đầy yêu thương, với mong muốn người nghe sẽ có được tâm trạng thư thái, bình yên khi nghe hai album này. Cô cũng muốn coi đây là một món quà dành tặng cho những người con xa quê, giúp họ luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, từng ghi dấu biết bao kỷ niệm của tuổi thơ.