Điểm mặt những ngôi Sao Mai “thính phòng”
Sao Mai năm đầu tiên (cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc 1997) đã chứng kiến cuộc lên ngôi của 3 giọng ca trẻ đều ở phong cách thính phòng (cho dù năm đó có khá nhiều thí sinh nhạc nhẹ và dân gian, nhưng chưa phân dòng). Thanh Sử (giải đặc biệt) và đồng giải Nhất được trao cho Thanh Thúy và Lương Chí Cường. Với chiến thắng này, như một mặc định “ngầm” cho các mùa giải sau, mà ở đó, dòng nhạc “chính thống” sẽ là “anh cả đỏ” luôn được chú ý và “ưu ái” nhất.
Cuộc thi năm thứ 2 (năm 1999) cũng chứng kiến sự “đăng quang” của 3 giọng thính phòng, còn “đậm chất” hơn cả những thí sinh năm đầu, đó là Trọng Tấn (giải nhất), Lê Nam Khánh, Lan Anh (giải Nhì). Sau này, Trọng Tấn trở thành một “hiện tượng" mà đến bây giờ vẫn chưa có ca sỹ trẻ nào vượt qua được. Lan Anh cũng trở thành giọng thính phòng trẻ xuất sắc nhất Việt Nam vài năm sau đó. Còn Lê Nam Khánh thì trở thành giọng hát chính của ban nhạc AC&M.
Năm 2001, cũng vẫn là những giọng thính phòng đoạt giải khi Phương Nga và Hồng Vy - hai cô gái của Hà Nội chia nhau giải Nhất - Nhì. Phương Nga giọng thính phòng thiên về trữ tình, còn Hồng Vy là giọng nữ cao đậm chất “nhạc đỏ” và trung thành theo lối hát truyền thống của dòng thính phòng, cổ điển. Ở năm này còn chứng kiến sự thành công của Lương Huy - cũng là một giọng thính phòng đẹp và nhiều biểu cảm.
Năm 2003, Sao Mai được tổ chức ở Tuần Châu - Hạ Long đã “thoáng” hơn khi nhạc nhẹ và nhạc dân gian được chú ý hơn. Ngọc Khuê đã “vẽ” nên một cách hát mới khiến khán giả rất thích thú. Khánh Linh với chất trữ tình bán cổ điển mang hơi hướm nhạc nhẹ nhiều hơn đã như thổi vào Sao Mai làn gió mới. Tuy thế, cho dù Ngọc Khuê và Khánh Linh được báo giới đánh giá rất cao và dự đoán sẽ là cuộc “soán ngôi” lịch sử của Sao Mai, nhưng cuối cùng, dòng nhạc thính phòng vẫn “ngự trị” khi ngôi vị cao nhất thuộc về Hoàng Tùng với một bài hát thuộc dạng “kinh điển” - Tôi là người thợ lò (Hoàng Vân).
Sang đến năm 2005, lần đầu tiên Sao Mai phân chia các dòng nhạc, sự làm mới này khiến Sao Mai mất “đỉnh” nhưng lại tạo ra một sự hấp dẫn khác, khi mà cả 3 phong cách âm nhạc đều được chú ý và tạo điều kiện ngang nhau. Nhưng dù có phân dòng thì nhạc thính phòng vẫn luôn được giới chuyên môn chú ý, và giải nhất dòng nhạc này của Sao Mai 2005 được trao cho một giọng nam cao rất xuất sắc - Tuấn Anh (Quảng Ninh) và 4 năm sau đó, anh đã đoạt giải Nhất cuộc thi hát thính phòng chuyên nghiệp toàn quốc.
Sao Mai 2007 chứng kiến sự “đổi mới” của các thí sinh dòng nhạc thính phòng khi 2/3 ca sỹ chọn trữ tình bán cổ điển để dự thi thay vì những bài hát và cách hát đậm chất thính phòng như trước. Lê Anh Dũng và Hiền Anh đã làm một cuộc “cách mạng” khi dám thử sức với những tìm tòi và sáng tạo mới, họ đã thành công khi chọn những ca khúc thiên về “nhạc nhẹ” để tham gia thi thính phòng, điều nay ban đầu có gây tranh cãi, nhưng họ đã chinh phục khán giả và giới chuyên môn bằng chính sự nỗ lực và bằng giọng hát cũng như tư duy âm nhạc tương đối mới mẻ này.
 ‘ Dương Tùng Lâm, Minh Hải và Xuân Hảo (từ trái qua) |
|
Sao Mai 2009, thí sinh “thính phòng” hát gì?
Ở vòng loại Sao Mai 2009 các khu vực, nhiều thí sinh đã “học tập” Lê Anh Dũng và Hiền Anh khi chọn những bài hát bán cổ điển để dự thi. Tuy nhiên, đa số họ lại không phân biệt được rằng, với giọng hát nào, bài hát nào thì có thể hát “trữ tình”, chứ không phải là tất cả. Vì thế, nhiều thí sinh bị trượt oan vì chọn bài lệch dòng, không hợp với chất giọng. Ban tổ chức, giám khảo và báo chí đã lên tiếng ngay sau đó, có lẽ vì vậy, các thí sinh tham dự vòng chung kết dòng nhạc thính phòng lại quay về sự lựa chọn “an toàn”, tức là, cả 9 người đều chọn lối hát cổ điển cho “chắc ăn”.
Nhìn vào danh sách đêm thi thính phòng tới đây, có thể dễ dàng nhận thấy điều này, bởi danh sách bài hát đều là những ca khúc cũ và đa phần đã trở nên quen thuộc như Những thành phố bên bờ biển cả (Phạm Đình Sáu), Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn Văn Thương), Tôi là người thợ lò (Hoàng Vân), Nhớ anh giải phóng quân (Lư Nhất Vũ), Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao)…
Ứng viên “nặng ký” nhất của dòng thính phòng năm nay là Xuân Hảo, Dương Tùng Lâm và thí sinh vào chung kết bằng “vé vớt” Hồng Nhung. Hồng Nhung có lẽ sẽ là cái tên gây ấn tượng ở đêm thi tới, giống như Ngọc Ký ở bảng dân gian, Nhung không bị áp lực tâm lý mà ngược lại, rất nhiều hứng khởi khi đến với đêm chung kết một cách đầy bất ngờ.
Xuân Hảo sẽ hát Pắc Bó nhớ mãi ơn người (An Thuyên) - một bài hát có sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian vùng Tây Bắc, khá mềm mại và nhiều cảm xúc. Đây cũng là ca khúc không quá quen thuộc với khán giả nên chắc chắn sẽ tạo nên sự chờ đợi cho người nghe.
Dương Tùng Lâm – anh chàng MC điển trai có khá nhiền “fan” sẽ hát Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn Văn Thương), Tùng Lâm có lợi thế chất giọng truyền cảm và rất “sáng” sân khấu. Anh có lẽ sẽ là đối thủ của Hồng Nhung trong việc giành giải khán giả bình chọn ngay trong đêm thi.
Hồng Nhung sẽ hát Nhớ anh giải phóng quân (Lư Nhất Vũ) bằng giọng nữ cao nhưng khá trữ tình của mình. Cô được đánh giá là người hát “ra chất” thính phòng nhất đêm chung kết khu vực phía Bắc. Hồng Nhung cũng chính là thí sinh nữ duy nhất tranh tài trong đêm thi tới đây, do vậy, chắc chắn cô sẽ giành được nhiều cảm tình của khán giả.
Đêm thi chung kết dòng nhạc thính phòng sẽ được diễn ra lúc 20h tối chủ nhật (13/12/2009) tại nhà hát Sao Mai (Phú Yên), sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV3 – Đài TH Việt Nam.
 ‘ Hồng Nhung liệu có làm nên bất ngờ như Ngọc Ký ở bảng dân gian? |
|