Hồng Nhung - cô gái đến từ vùng Quan họ Kinh Bắc rất bản lĩnh và tự tin, ngay cả khi cô không được chọn vào chung kết toàn quốc sau đêm thi khu vực phía Bắc. Cô coi thất bại đó là một bài học để rút kinh nghiệm cho nghề. Và may mắn đã đến với Hồng Nhung khi cô được chọn là 1 trong 2 thí sinh giành tấm vé cuối cùng trên chuyến tàu vào Phú Yên. Với tâm thế của người “chẳng có gì để mất”, Hồng Nhung đã thực sự thoải mái và cô đã chinh phục khán giả bằng giọng nữ cao ngọt ngào đầy cảm xúc của mình với ca khúc Nhớ anh giải phóng quân (Lư Nhất Vũ). Không những được Ban giám khảo đánh giá cao, Hồng Nhung còn là thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất trong đêm (1.651/5.732 phiếu hợp lệ). Đó là thành quả của một sự nỗ lực không ngừng.
Xuân Hảo - cho đến thời điểm này vẫn là ứng viên số 1 cho ngôi vị giải Nhất năm nay. Giọng nam trung rất đẹp và khá nổi tiếng trong giới sinh viên thanh nhạc Hà Nội bởi tính cách và sự xuất hiện tương đối nhiều trong các chương trình biểu diễn. Tham gia một vài cuộc thi nên anh có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn bài hát, nhờ người phối khí và cách xử lý tác phẩm trong một môi trường khác với đi biểu diễn. Cùng với sự “chín” về kỹ thuật thanh nhạc qua thời gian học tập tại trường ĐH VHNT Quân đội, Xuân Hảo ngày càng trưởng thành, đĩnh đạc, bản lĩnh và đầy tự tin.
Hát cuối cùng, Xuân Hảo như làm “bừng sáng” nhà hát Sao Mai với ca khúc Pắc Bó hát mãi tên Người (An Thuyên) - một ca khúc không quá “cứng” kiểu “nhạc đỏ” thường thấy mà nó đằm thắm và mang nhiều màu sắc trữ tình, dù vẫn đủ độ “hoành tráng” và những đoạn khó, đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc tương đối cao. Với phần trình diễn tự tin của mình, Xuân Hảo xứng đáng được bước tiếp vào đêm chung kết xếp hạng.
Nguyễn Trung Nhật đến từ TP Hồ Chí Minh đã xoá đi cái “dớp” thất bại của khu vực miền Nam ở 2 mùa Sao Mai trước, khi mà họ đều ra về tay trắng ở bảng thính phòng. (Năm 2005 và 2007, top 3 đều thuộc về miền Bắc). Trung Nhật có giọng nam cao khá sáng và đẹp. Nếu so với 2 ứng viên “nặng ký” khác là Minh Hải và Dương Tùng Lâm thì Nguyễn Trung Nhật cũng không phải quá xuất sắc, nhưng Nhật thông minh hơn khi anh chọn ca khúc phù hợp với chất giọng và có bản lĩnh “thi đấu” tốt.
Chọn Vang mãi bản tình ca (Trọng Bằng) là tương đối khó, cái khó không phải là do kỹ thuật mà là đã có quá nhiều thí sinh hát bài này. Do vậy, anh phải chọn một cách hát khác, và Nhật đã chọn cách hát mạnh mẽ, hùng tráng thay vì cách hát trữ tình, thậm chí hơi “sến” mà các thí sinh trước, một số người đã lựa chọn. Dù kỹ thuật chưa được hoàn hảo và đôi chỗ còn bị “non” về cả làn hơi lẫn cảm xúc nhưng rõ ràng, Nhật vẫn nổi bật so với các thí sinh khác, và anh hoàn toàn tự tin với kết quả được đi tiếp vào vòng trong.
Cả Hồng Nhung, Xuân Hảo, Trung Nhật đều là “dân” học nhạc chuyên nghiệp. Họ cũng từng chinh chiến vài cuộc thi Sao mai cũng như những cuộc thi hát khác. Với họ, mỗi cuộc thi là một thử thách để vượt qua, giải thưởng không phải là mục đích duy nhất. Vì thế, dù thất bại cuộc này, họ không buồn, mà tiếp tục “dùi mài kinh sử” đế “chiến” tiếp cuộc khác. Và cho đến Sao Mai 2009, thành công đã mỉm cười với họ.
Cuộc thi nào cũng có sự đáng tiếc cho những thí sinh bị loại, đêm chung kết thính phòng cũng vậy, họ đều đã nỗ lực hết mình. Đáng tiếc nhất là Minh Hải và Dương Tùng Lâm, đây là 2 thí sinh có giọng hát đẹp, sự chuẩn bị khá kỹ càng, công phu và có sự đầu tư nghiêm túc. Tuy nhiên, cả Hải và Lâm đều chọn bài chưa thực sự phù hợp nên độ “ép phê” hầu như là không có.
Minh Hải hát Nắng ấm về trên tổ quốc (Trần Khánh) khá hay nhưng cảm giác một giọng nam trung thiên về trầm sẽ hợp hơn là giọng Hải. Bởi giọng Minh Hải sáng, nét nhưng thiếu đi sự ấm áp, giản dị vốn phù hợp với những giọng nam trung trầm. Bên cạnh đó, sự hồi hộp và căng thẳng khiến phần đầu của anh không “chắc” nốt, không làm cho người nghe “đã tai”, dù phần sau anh lấy lại phong độ và hát rất hay.
Dương Tùng Lâm cũng vậy, Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn Văn Thương) dường như quá sức với Lâm. Tùng Lâm có giọng hát khá tình cảm và có tâm hồn, nhưng về kỹ thuật thanh nhạc anh còn chưa hoàn thiện. Chọn một bài quá khó giống như mặc chiếc áo quá rộng, cho dù chỉnh đốn chỉn chu thì chiếc áo ấy vẫn khiến người mặc bị… “lùng nhùng”. Dương Tùng Lâm dù đã cố gắng hết mình, nhưng chiến thắng lại chưa mỉm cười với anh.
Sự thất bại của Minh Hải và Dương Tùng Lâm là do yếu tố chọn bài chưa thực sự hợp lý. Tuy nhiên, với chất giọng khá hay và sự học hành bài bản, cộng với đam mê nghề nghiệp - Minh Hải, Dương Tùng Lâm và các thí sinh khác sẽ có một tương lai tốt đẹp phía trước.
Kết quả đêm thi thính phòng:
Giải khán giả bình chọn: Hồng Nhung (Bắc Ninh)
Top 3 vào chung kết xếp hạng:
Lê Xuân Hảo (Thái Bình)
Trần Thị Hồng Nhung (Bắc Ninh)
Nguyễn Trung Nhật (TP Hồ Chí Minh)