Chung kết Sao mai dân gian: Thí sinh hát gì?

Vnmedia-Chủ nhật, ngày 06/12/2009 12:55 GMT+7

Lượng ca khúc mới và cũ tương đương, nhiều bài dân gian đương đại, cũng không thiếu những ca khúc “ngọt lịm” âm hưởng dân ca - đó là những gì mà khán giả sẽ cảm nhận được trong đêm chung kết Sao Mai tối nay (6/12).

Dân gian nhưng đã “đương đại” hơn

Nhìn vào danh sách bài hát mà thí sinh đã đăng ký với ban tổ chức thì thấy rằng, xu hướng hát dân ca kiểu “thuần chất”, “ngọt lịm” dễ “ru ngủ” đã không được lựa chọn nhiều. Thay vào đó, các thí sinh đã mạnh dạn chọn những ca khúc và cách hát mang hơi thở đương đại nhiều hơn.

Được đánh giá cao ở vòng chung kết khu vực phía Bắc với Son (Đức Nghĩa), Minh Chuyên tiếp tục “tung tẩy” với âm hưởng Chèo qua một sáng tác của Nguyễn Cường - Độc thoại Thị Màu. Đây là ca khúc từng được Ngọc Khuê biểu diễn rất thành công, nên áp lực đối với Minh Chuyên là vẫn phải “đong đưa, tung tẩy” nhưng lại phải khác Ngọc Khuê khi hát lại bài này. Bị chê là hát hơi “nhạc nhẹ” bài Son nên cô đã khá cầu kỳ trong việc “tầm sư học đạo”, Minh Chuyên đã dành thời gian đến nhờ NSƯT Thu Huyền (Nhà hát chèo Hà Nội) để “thỉnh giáo” cách đi đứng, động tác tay chân của cô Thị Màu “nguyên gốc”, từ đó tạo ra cái chất riêng của mình.

Trăng về phố (Lê Mây) cũng là một ca khúc khá “đương đại” sẽ được trình bày qua tiếng hát Nguyệt Anh. Ở cô gái này, bản thân chất giọng đã rất ngọt ngào và đậm chẩt dân ca rồi, nên Nguyệt Anh chỉ cần hát “cuốn” và “nảy” lên là đảm bảo được độ hấp dẫn. Ở vòng ngoài, Nguyện Anh bị các khách mời khen là có giọng đẹp, ngọt ngào nhưng hát bị “chảy” quá.

Một số thí sinh khác cũng chọn những ca khúc không thuộc dạng “thuần chất” dân gian như trước nay vẫn xuất hiện trong các cuộc thi. Mái đình làng biển (Nguyễn Cường) là một ca khúc quá quen thuộc và cũ nhưng vẫn được Nguyễn Thị Bích Hội lựa chọn, chứng tỏ nó vẫn còn nhiều hấp dẫn đối với các thí sinh trong việc “làm mới” ca khúc này.

Ngọc Ký và Việt Hà là 2 giọng hát được đào tạo cơ bản về… thính phòng nên họ cũng chọn những ca khúc khoe được giọng và kỹ thuật. Việt Hà sẽ hoá thân thành một cô gái H’Mông trong ca khúc Chị Mai xuống chợ (Lê Lan). Đây là bài hát mang âm hưởng dân ca Mông với thoang thoảng tiếng sáo, tiếng khèn và cả tiếng lục lạc của những chú ngựa trên những sường núi. Bài hát này được Việt Hà dàn dựng và đặt phối tương đối công phu, hy vọng sẽ mang một màu sắc, một món ăn lạ đến với độc giả trong đêm thi.

Nguyễn Ngọc Ký - anh chàng khá “lận đận” trong thi cử, vừa may mắn giành được tấm vé cuối cùng để tham dự vòng chung kết toàn quốc đang rất hứng khởi. Với chất giọng nam cao và kỹ thuật thanh nhạc tương đối tốt, Ngọc Ký đã dũng cảm chọn bài Phú nước non (Nguyễn Tiến) - một bài hát đòi hỏi ca sỹ phải có kỹ thuật thanh nhạc tốt và độ sâu cảm xúc nhất định. Đang không bị áp lực, tâm lý rất thoải mái, Ngọc Ký có thể sẽ gây bất ngờ lớn ở đêm thi này.

“Thuần” hay “phá cách” sẽ chiến thắng?

Phong cách dân gian luôn tạo ra hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Một bên là ủng hộ cách hát và những ca khúc đậm chất dân gian, bên kia là cổ vũ kiểu “phá cách” với những ca khúc đương đại.

Đối lập với những Độc thoại Thị Màu, Trăng về phố, Mái đình làng biển… là những ca khúc mang đậm chất dân gian ở đêm thi tới đây. Có thể kể đến Câu đợi câu chờ (Ngọc Thịnh), Bài ca đất phương Nam (Lư Nhất Vũ), Mái chèo thiên thu (Phó Đức Phương)…

Bùi Lê Mận tiếp tục “ngọt lịm” với Câu đợi câu chờ (Ngọc Thịnh), một bài hát mang âm hưởng dân ca miền Trung mà Thành Lê đã hát rất hay trong CD đầu tay của cô. So với Thành Lê thì Bùi Lê Mận thua về sự tinh tế, nhưng giọng của Mận lại ngọt và dịu hơn, chắc chắn sẽ thổi vào ca khúc này một làn gió mới.

Cũng là một ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung là Mái chèo thiên thu (Phó Đức Phương) sẽ được Nguyễn Thị Thương chọn hát. Phạm Thuý Hằng cũng có một giọng hát rất ngọt ngào của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bài ca đất phương Nam (Lư Nhất Vũ) được Thuý Hằng chọn hát cũng là ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Nam Bộ, đây là ca khúc quen thuộc trong bộ phim truyền hình Đất phương Nam nổi tiếng.

Có vẻ cả 3 thí sinh Nguyễn Thị Thương, Phạm Thuý Hằng và Bùi Lê Mận đều tỏ ra khôn ngoan khi chọn 3 bài mang đúng giọng điệu quê hương mình nên chắc chắn, họ cất lên giọng hát là sẽ “ra” chất ngay lập tức, đây sẽ là điều thuận lợi cho họ, nhưng mặt trái của nó là việc rất khó “sáng tạo” hay “làm mới” những ca khúc này.

Thực ra, kể cả hát dân gian kiểu “thuần chất” hay “phá cách” thì điều quan trọng là giọng hát phải ngọt ngào, xử lý phải tinh tế và điều đặc biệt là hát âm hưởng dân ca vùng nào thì phải ra đúng chất dân gian vùng ấy, đó mới là điều quan trọng ngoài việc phải đảm bảo được kỹ thuật thanh nhạc và có chiều sâu cảm xúc. Đảm bảo được những điều này, các thí sinh mới có cơ hội bước lên bục vinh quang.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước