Thi vào lớp 10: Học sinh Hà Nội căng sức, giáo viên “chạy nước rút”

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 21/05/2025 16:23 GMT+7

bangdatally.xyz - Hơn 2 tuần nữa là đến kỳ thi, nhiều học sinh đang tăng tốc ôn luyện ngày đêm. Phía sau áp lực điểm số là nỗ lực đồng hành không mỏi của thầy cô, nhà trường.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội luôn được xem là một trong những "vòng loại" cam go nhất của học sinh phổ thông. Năm học 2025–2026, áp lực không giảm khi tỷ lệ chọi tiếp tục ở mức cao, với khoảng 60–65% học sinh tốt nghiệp THCS được vào các trường công lập. 2025 là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) thi tốt nghiệp.

Học sinh ôn "tăng ca", phụ huynh sát cánh

Ghi nhận tại Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình), nhiều lớp học buổi chiều kín chỗ. Lớp 9A2, các em đang luyện đề Toán dưới sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm. Không khí lớp học tập trung, căng thẳng. Nguyễn Minh Thảo – học sinh lớp 9 – chia sẻ: "Tuần này em ôn Toán và Văn xen kẽ buổi sáng và chiều. Tối em học thêm tiếng Anh online. Lúc nào cũng cảm giác thiếu thời gian".

Tại các trung tâm luyện thi ở Cầu Giấy, Hà Đông, số lượng học sinh lớp 9 đăng ký luyện cấp tốc tăng vọt từ đầu tháng 4. Thời gian biểu của học sinh thường bắt đầu từ 6h30 sáng và kết thúc lúc 22h, có hôm kéo dài hơn.

Phụ huynh cũng đang cùng con "gồng mình" qua mùa thi. Chị Bùi Thị Thanh (quận Nam Từ Liêm) cho biết: "Mỗi ngày con học 3 ca, vợ chồng tôi thay nhau đưa đón, chuẩn bị bữa phụ để cháu đủ sức ôn thi".

Thi vào lớp 10: Học sinh Hà Nội căng sức, giáo viên “chạy nước rút” - Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội căng sức ôn tập, chờ kỳ thi vào lớp 10 THPT đã cận kề.

Em Hoàng Quốc Anh – học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa) cho biết, 2 tháng nay, ngay cả trước thi học kỳ 2, em đã tập trung ôn luyện kỹ 3 môn thi vào lớp 10. Thời gian học kéo dài hơn so với trước đó để nắm chắc nắm vững kiến thức. "Bố mẹ và cả ông bà em đều động viên cố gắng ôn tập và tạo điều kiện cho em có nhiều thời gian nhất để ôn thi, bồi bổ dinh dưỡng. Việc chọn trường cũng quan trọng, sao cho phù hợp sức học nhất. Tỷ lệ chọi chỉ là tham chiếu cơ bản, quan trọng là dựa trên sức học, điểm số của trường những năm gần đây và gần nhà".

Giáo viên "đồng hành 200% công lực", ôn tập theo nhóm, cá nhân hóa theo học lực

Theo cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Ngữ văn tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Đống Đa), từ đầu tháng 3, nhà trường đã triển khai các lớp ôn tập ba môn thi chính thức: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Giáo viên chia nhóm học sinh theo năng lực, xây dựng lộ trình cá nhân hóa, tăng cường luyện đề sát cấu trúc đề minh họa của Sở GD&ĐT.

"Lịch ôn tập dày hơn, nhưng chúng tôi luôn giữ tâm lý ổn định cho học sinh. Không đặt áp lực phải đạt điểm tuyệt đối, mà nhấn mạnh mục tiêu phù hợp năng lực", cô Hạnh chia sẻ.

Ở nhiều trường khác như THCS Trưng Vương, THCS Thanh Xuân Nam, các thầy cô không chỉ dạy kiến thức mà còn hướng dẫn học sinh cách phân bổ thời gian, xử lý tâm lý phòng thi, và dành riêng các buổi chữa đề theo chủ đề.

Đặc biệt, năm nay đề thi lớp 10 tại Hà Nội tiếp tục giữ ổn định về hình thức nhưng yêu cầu tăng về tư duy vận dụng. Vì vậy, giáo viên tích cực đổi mới cách ra đề, dạy học theo chủ đề, tăng bài tập tích hợp liên môn để học sinh quen với cách ra đề mới.

Thi vào lớp 10: Học sinh Hà Nội căng sức, giáo viên “chạy nước rút” - Ảnh 2.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026 sẽ diễn ra ngày 7 và 8/6.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), nhà trường chia học sinh lớp 9 thành 3 nhóm: học lực khá – giỏi, trung bình và yếu. "Với học sinh khá – giỏi, giáo viên tập trung luyện kỹ năng giải đề. Với nhóm trung bình và yếu, ưu tiên củng cố nền tảng kiến thức cơ bản, đặc biệt là kỹ năng làm bài trắc nghiệm nhanh, chính xác".

Ngoài ra, các trường cũng phối hợp mời phụ huynh trao đổi trực tiếp để thống nhất phương pháp ôn tập tại nhà. Một số trường còn tổ chức thi thử 2–3 đợt, dùng kết quả để điều chỉnh chiến lược ôn tập theo từng cá nhân.

"Đừng để ôn thi biến thành cuộc đua mệt mỏi"

TS. Lê Thống Nhất – chuyên gia giáo dục – lưu ý rằng: "Phụ huynh cần giảm kỳ vọng điểm số và lựa chọn trường phù hợp. Nếu tất cả đều dồn về trường top đầu, áp lực sẽ không còn là động lực mà trở thành gánh nặng kéo dài."

Theo ông, thay vì học quá nhiều giờ, học sinh nên dành thời gian tự học, tự luyện đề, rút kinh nghiệm. "Chất lượng ôn luyện không nằm ở số giờ học, mà ở chiến lược học thông minh: tập trung vào điểm yếu, luyện đề theo từng dạng, xen kẽ thời gian nghỉ ngắn".

Còn theo một chuyên gia giáo dục, có hiện tượng học sinh kiệt sức trước khi bước vào kỳ thi. Vì thế, phụ huynh và nhà trường cần theo sát biểu hiện stress, rối loạn giấc ngủ, ăn uống ở học sinh.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026 sẽ diễn ra ngày 7 và 8/6. Đối với tuyển sinh lớp 10 trường chuyên Hà Nội, các thí sinh sẽ thi vào ngày 9/6.

Thi vào lớp 10: Học sinh Hà Nội căng sức, giáo viên “chạy nước rút” - Ảnh 3.

Hà Nội có khoảng 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS, giảm gần 6.000 so với năm ngoái.

Thí sinh dự Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông sẽ làm bài với ba môn thi gồm toán, ngữ văn và Ngoại ngữ.

Điểm xét tuyển bằng điểm bài thi môn toán + Điểm bài thi môn ngữ văn + Điểm môn thi ngoại ngữ + Điểm ưu tiên (nếu có) + Điểm khuyến khích (nếu có).

Trong đó, điểm bài thi của các môn tính theo thang điểm 10,0.

Năm học 2024-2025, toàn thành phố có khoảng 127.000 học sinh tốt nghiệp xét tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong đó, 103.456 em đăng ký dự thi vào các trường THPT công lập không chuyên.

Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, số lượng học sinh được tuyển vào các trường trung học phổ thông khoảng 79.000 em. Tuyển vào các trường trung học phổ thông tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 48.000 học sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước