Những chính sách giáo dục nổi bật có hiệu lực trong tháng 5/2025

Khánh Nguyễn (t/h)-Thứ năm, ngày 01/05/2025 11:09 GMT+7

Giờ học âm nhạc của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh minh hoạ: TTXVN

3 chính sách giáo dục liên quan đến liên kết đào tạo, tuyển sinh đại học và hỗ trợ học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. miền núi, ven biển và hải đảo có hiệu lực từ tháng 5.

Chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ven biển và hải đảo

Ngày 12/03/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 66/2025/NĐ-CP quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Nghị định 66/2025/NĐ-CP quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách, bao gồm: đối tượng áp dụng, điều kiện, nguyên tắc, mức hưởng chính sách, quy trình xét duyệt hưởng chính sách, cấp phát gạo và kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh trường dự bị đại học, học viên cơ sở giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Nghị định 66/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2025.

Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non

Ngày 19/03/2025, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non kèm Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Đơn cử, sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về phương thức tuyển sinh như sau:

- Cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.

- Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển, cách thức tính điểm xét và xác định điều kiện trúng tuyển, trong đó:

+ Các tiêu chí chủ yếu dùng để đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo;

+ Tổng điểm cộng, điểm thưởng, điểm khuyến khích (gọi chung là điểm cộng) đối với thí sinh có thành tích đặc biệt, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (tối đa 3 điểm đối với thang điểm 30);

+ Mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa của thang điểm xét, nhưng không thí sinh nào có điểm xét (tính cả các loại điểm cộng, điểm ưu tiên) vượt quá mức điểm tối đa này.

- Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT và các kết quả đánh giá khác):

+ Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%; từ năm 2026 số môn chung của các tổ hợp phải đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm xét;

+ Đối với các chứng chỉ ngoại ngữ được dùng để miễn thi tốt nghiệp THPT theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành, cơ sở đào tạo được quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%;

+ Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh với trọng số tính điểm xét không dưới 25%.

- Đối với một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có nhiều phương thức tuyển sinh hoặc tổ hợp xét tuyển:

+ Cơ sở đào tạo phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn thống nhất của Bộ GDĐT; bảo đảm tuyển chọn được các thí sinh đáp ứng tốt nhất yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo;

+ Không quy định mã xét tuyển riêng, chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển, trừ việc quy định chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 8 Quy chế này.

- Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ và quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên số liệu phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển các năm trước.

Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 05/5/2025.

Liên kết đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài

Ngày 27/03/2025, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT quy định về tổ chức thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 05/05/2025.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước