Mùa thi 2025

Giữ vững tâm lý mùa thi: Đủ bình tĩnh là đã đi được nửa hành trình chiến thắng

Thu Trang-Thứ ba, ngày 20/05/2025 20:20 GMT+7

Ảnh: Vương Hãn

bangdatally.xyz - Mỗi mùa thi đến, nhiều học sinh phải đối mặt với căng thẳng và áp lực. Ngoài khối lượng kiến thức lớn, các em còn gánh trên vai kỳ vọng từ bản thân và gia đình.

Tâm lý bất ổn nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ dễ khiến học sinh rơi vào trạng thái tiêu cực kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thi và cả sức khỏe tinh thần.

Một số biểu hiện thường gặp như mất ngủ liên tục, lo âu, bi quan, né tránh học tập hay suy nghĩ tiêu cực về bản thân... đều là những cảnh báo rõ ràng cho thấy tâm lý đang vượt ngưỡng an toàn. Nếu không được nhận diện và xử lý kịp thời, những bất ổn này có thể kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Không ít học sinh rơi vào trạng thái suy nhược cơ thể, giảm khả năng tập trung, học không vào, thi không tốt. Một số em còn có biểu hiện trầm cảm nhẹ, sợ hãi phòng thi, mất động lực học tập hoặc thu mình, mất kết nối với gia đình, bạn bè. Tình trạng này kéo dài có thể để lại vết hằn trong tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành và cả hành trình phát triển nghề nghiệp sau này.

Giữ vững tâm lý mùa thi: Đủ bình tĩnh là đã đi được nửa hành trình chiến thắng - Ảnh 1.

GS. TS Huỳnh Văn Sơn trong buồi tổng kết về kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC)

GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh – chia sẻ rằng, việc giữ tâm lý ổn định đóng vai trò quan trọng không kém gì ôn luyện kiến thức. Một tâm thế vững vàng có thể giúp học sinh phát huy tối đa năng lực trong phòng thi và giảm thiểu những sự cố do căng thẳng gây ra.

Để duy trì sự cân bằng cảm xúc, mỗi học sinh nên rèn luyện những thói quen điều chỉnh tâm lý hằng ngày. Những việc làm đơn giản như hít thở sâu đúng cách, viết nhật ký cảm xúc, chia nhỏ mục tiêu học tập, xen kẽ học với vận động nhẹ và nghỉ ngơi điều độ sẽ tạo nên sự ổn định tinh thần cần thiết. Việc tự nhủ những điều tích cực mỗi ngày có tác dụng tiếp sức tinh thần trong giai đoạn nước rút.

Thực tế, ngay cả những học sinh giỏi cũng có thể rơi vào trạng thái mất tinh thần khi bước vào phòng thi. Nhiều em học tập chăm chỉ, chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng đến lúc làm bài lại run tay, đầu óc trống rỗng, không thể triển khai được như bình thường. Điều này thường bắt nguồn từ tâm lý kỳ vọng quá cao – kỳ vọng của cha mẹ, của thầy cô, và đặc biệt là kỳ vọng của các em đối với bản thân mình. 

Giữ vững tâm lý mùa thi: Đủ bình tĩnh là đã đi được nửa hành trình chiến thắng - Ảnh 2.

Các thí sinh với tâm trạng thoải mái khi rời phòng thi (Ảnh: NVCC)

Khi kỳ vọng quá lớn mà khả năng chưa thực sự phù hợp, hoặc phong độ không đúng điểm rơi thì kết quả thường không như mong muốn. Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, để khắc phục điều này, học sinh nên thường xuyên làm bài thi thử trong môi trường mô phỏng phòng thi thật nhằm làm quen với áp lực. Quan trọng hơn cả, hãy học cách chấp nhận rằng kết quả không phải là tất cả. Sự nỗ lực trong suốt hành trình học tập mới là điều cần được trân trọng và ghi nhận.

Phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho con cái tâm lý ổn định. Nhiều người nghĩ rằng áp lực là động lực, nhưng thực tế, nếu thiếu sự đồng hành và lắng nghe, áp lực rất dễ trở thành gánh nặng. Hơn lúc nào hết, cha mẹ cần thay "kỳ vọng" bằng "niềm tin", thay "ép buộc" bằng "đồng hành", thay "dồn ép" bằng "khích lệ". Một cái ôm, một lời động viên đúng lúc sẽ giúp con vững tâm hơn cả trăm lời nhắc nhở.

Giữ vững tâm lý mùa thi: Đủ bình tĩnh là đã đi được nửa hành trình chiến thắng - Ảnh 3.

Phụ huynh chúc mừng con đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Thu Trang)

Mùa thi là thử thách, nhưng cũng là cơ hội để học sinh rèn luyện bản lĩnh. Điều quan trọng không phải là đạt điểm tuyệt đối, mà là biết cách giữ vững tâm lý, vượt qua chính mình. Thông điệp quan trọng nhất mà GS.TS Huỳnh Văn Sơn gửi gắm là: "Hãy tin rằng giá trị của bản thân không chỉ nằm ở một kỳ thi. Thi cử là để thể hiện chính mình, không phải để đối đầu. Đủ bình tĩnh – là đã đi được nửa hành trình chiến thắng".

Kỳ thi rồi sẽ qua, nhưng cách mỗi người bước qua nó là một phần của hành trình trưởng thành. 

Tuyển sinh đại học 2023: Lo ngại tăng áp lực thi cử trước xu hướng thi riêng để xét tuyển Tuyển sinh đại học 2023: Lo ngại tăng áp lực thi cử trước xu hướng thi riêng để xét tuyển Thi tốt nghiệp THPT: Gia đình và bản thân thí sinh cần tránh tạo áp lực thi cử Thi tốt nghiệp THPT: Gia đình và bản thân thí sinh cần tránh tạo áp lực thi cử Nhiều trẻ dễ mắc chứng rối loạn tâm thần do áp lực thi cử Nhiều trẻ dễ mắc chứng rối loạn tâm thần do áp lực thi cử

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước